Tính đến ngày 8/9, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine và chưa có hồi kết. Đã có hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vào tháng 4 trong cuộc đàm phán ở Belarus, nhưng điều đó tan biến sau vụ thảm sát ở Bucha và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra một đường lối ngày càng cứng rắn: Kiev sẽ không thỏa hiệp cho đến khi tái kiểm soát hầu hết vùng lãnh thổ bị chiếm đóng - bao gồm cả Donbass và Crimea.
Mỹ cũng có quan điểm cứng rắn và đưa ra nhiều gói hỗ trợ quân sự. Việc chuyển giao Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ cho Ukraine đã tỏ ra hiệu quả, có thể tấn công sâu vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, buộc Moskva phải di chuyển cả các sở chỉ huy và kho chứa đạn dược lùi sâu khỏi tiền tuyến và điều chỉnh hiệu quả các tuyến đường hậu cần tiếp tế của mình.
Mới đây, Kiev đã mở một cuộc phản công lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Kherson. Kiev đã chuẩn bị cho chiến dịch Kherson trong hai tháng qua và Nga cũng chuyển quân từ Donbass để củng cố thành phố.
Trong khi những vũ khí như HIMARS đã khiến Nga thực sự đau đầu và nước này phải tạm dừng để tiến hành hỗ trợ hậu cần, thì đây là những vũ khí công nghệ cao, rất chính xác, nhưng chúng không sát thương được nhiều bộ binh. Ngược lại, Nga có số lượng pháo binh áp đảo. Dường như ngày càng có nhiều khả năng rằng phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí sát thương bộ binh như xe tăng và máy bay, do đó, cuộc xung đột có khả năng kéo dài, có thể là cả mùa Đông sắp tới.
Ukraine hiện không có cơ sở sản xuất nào để tự trang bị và hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ phương Tây. Mặc dù vậy, cả Nga và phương Tây đều gặp khó khi muốn chế tạo thêm nhiều vũ khí trong thời gian ngắn, điều này sẽ dẫn đến tắc nghẽn nguồn cung trong bối cảnh nguồn dự trữ vũ khí hiện có dần cạn kiệt.
Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine tiếp tục bị tàn phá, dù bên ngoài khu vực giao tranh, cuộc sống đang trở lại bình thường. Ngân sách của Ukraine đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc và trong tháng 7 và thâm hụt đã tăng lên đáng kể. Ngân hàng Quốc gia Ukraine buộc phải phá giá đồng tiền quốc gia 25% và giữ lãi suất cơ bản ở mức 25%.
Nhưng sau khi Mỹ cung cấp 4,5 tỷ USD để viện trợ ngân sách và EU cam kết sẽ bổ sung thêm 8 tỷ euro vào tháng 9 cho Ukraine, triển vọng được cải thiện đáng kể. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings và Fitch đã tăng xếp hạng của Ukraine lên một bậc, lên CCC+ (mức đầu cơ: vẫn dễ bị tổn thương và phụ thuộc vào các điều kiện kinh doanh thuận lợi) so với mức mặc định và Kiev đã được các chủ nợ cho hoãn thanh toán nợ nước ngoài trong hai năm.
Việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc sau thỏa thuận ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 22/7 cũng đã cải thiện triển vọng hơn nữa vì Ukraine dự kiến thu được khoảng 20 tỷ USD từ xuất khẩu ngũ cốc trong năm nay.
Các kế hoạch tái thiết đang được hình thành và một số tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã bắt đầu hoạt động, cho vay đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng và bắt đầu nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho những người sơ tán trở về. Trong một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 7% người được hỏi cho biết họ không có ý định quay trở lại Ukraine khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Chính phủ Ukraine đã đưa ra kế hoạch 10 năm nhằm tạo ra bước nhảy vọt kinh tế gấp ba lần sau cuộc xung đột vào cuối tháng 8, nhưng cho biết họ cần một 700 tỷ USD tài trợ cộng với khoản bồi thường về tất cả những thiệt hại do xung đột.
Bộ Kinh tế Ukraine cho biết trong một tuyên bố, kế hoạch trên dự kiến chuyển đổi từ một nền kinh tế với GDP bình quân đầu người là 4.000 USD/năm sang nền kinh tế đang phát triển với GDP bình quân đầu người là 12.000 USD/năm. Trên thực tế, điều này có nghĩa là cần "một phép màu kinh tế" với Ukraine - tăng trưởng 7% GDP hàng năm trong một thời gian dài.
Nhưng có rất nhiều rào cản cần phải vượt qua và ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc xung đột. Ngay cả khi được hoãn thanh toán nợ, Ukraine phải trả khoản nợ 10 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong quý 3 và quý 4/2022, Chính phủ, Ngân hàng Quốc gia và các doanh nghiệp Ukraine phải trả 10 tỷ USD, trong đó 7,8 tỷ USD là tiền gốc và 2,2 tỷ USD tiền lãi, cùng với nguồn tài trợ cho khoản thâm hụt 50 - 80 tỷ USD (khoảng 60% GDP) dự kiến trong năm nay. Chính phủ Ukraine đã nỗ lực tránh một thỏa thuận tái cơ cấu nợ, nhưng điều đó đang ngày càng có vẻ không thể tránh khỏi.
Do nền kinh tế ngày càng suy thoái, một trong những điều trớ trêu là ngày càng có nhiều người Ukraine đến vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát để tìm việc làm. Mỗi ngày, có tới 200 xe ô tô vượt qua chiến tuyến ở vùng Zaporozhye. Đồng thời, một số người sơ tán đã trở lại Ukraine vì họ không thể tìm được việc làm ở EU. Để ngăn chặn dòng người lao động dịch chuyển về phía Đông, một dự thảo luật đã được đệ trình lên Quốc hội Ukraine quy định mức án tù lên đến 15 năm đối với những công dân Ukraine chấp nhận quốc tịch Nga.
Theo một quan chức của Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga, tổng cộng 2,8 triệu người đã chuyển đến Nga từ Donetsk và Lugansk và từ các vùng lãnh thổ Ukraine hoặc các lãnh thổ cũ của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Hàng triệu người khác đang xếp hàng chờ cả năm để xin giấy phép lao động và đơn xin quốc tịch ở nước láng giềng Ba Lan hoặc xa hơn về phía Tây ở châu Âu.