Tuyến đường sắt xuyên dự án hành lang vận tải "Bắc - Nam" của Ấn Độ đang được xây dựng. Ảnh: Sputnik |
Hành lang mới được đề xuất mang tên “Bắc – Nam”, sẽ trải dài tới Nga thông qua Iran và nối Vịnh Ba Tư cùng Ấn Độ Dương với Biển Caspi – hồ nước lớn nhất trên thế giới. Với dự án này, quốc gia Hồi giáo Iran sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik (Nga), nhà phân tích chính trị người Iran Pir Mohammad Mollazehi đã bàn luận về những lợi ích tiềm năng của dự án “Bắc – Nam” đối với Iran và Nga.
“Điều khiến hành lang Bắc – Nam trở nên rất quan trọng là nó sẽ đem tới chi phí vận tải và thời gian di chuyển giảm bớt 30%. Với những cân nhắc trên, Iran, Nga cùng Ấn Độ đang thảo luận về việc sử dụng các cảng Chabahar hoặc Bender Abbas để đưa hàng hóa đến các cảng Iran trên Biển Caspi ", ông Mollazehi cho hay.
Ông nói thêm rằng Ấn Độ đang tìm kiếm một con lộ trình để vận chuyển hàng hóa của nước này qua đường bộ hoặc đường sắt tới Nga và châu Âu.
“Họ cũng có thể xây một tuyến đường sắt giữa Chabahar và Bender Abbas để chuyên chở hàng hóa tới Khorasan và sâu vào Trung Á. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ tham gia tích cực hơn vào dự án này và đầu tư nhiều hơn vào sự phát triển của cảng Chabahar, nơi là cửa ngõ tới Afghanistan và Trung Á”, nhà phân tích lưu ý.
Mặt khác, theo ông, Ấn Độ cũng cần một hàng lang vận tải tới Nga và châu Âu. Nga có thể chở hàng hóa của họ thông qua hàng lang “Bắc – Nam” nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Hành lang này sẽ được sử dụng bởi cả ba nước.
Dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc được khởi xướng năm 2013 - nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và thắt chặt quan hệ giữa các nước Á – Âu – chú trọng vào Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa trên đất liền và Con đường Tơ lụa trên biển của thế kỷ 21.