Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/2, ông Qian Bo - Đại sứ Trung Quốc tại Fiji từ năm 2018 - đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề quần đảo Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Wang Wenbin cho biết Bắc Kinh hy vọng với vị trí mới, ông Qian có thể tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương cũng như thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của họ.
Bổ nhiệm vị trí mới là một động thái nâng cấp từ vai trò đặc phái viên tại Đối thoại Diễn đàn Trung Quốc - quần đảo Thái Bình Dương (PIF) xuất hiện từ những năm 2000. PIF là một tổ chức khu vực bao gồm các quốc đảo Thái Bình Dương cũng như Australia và New Zealand.
Thông thường, Trung Quốc chỉ bổ nhiệm các đặc phái viên thường trực cho các khu vực hoặc các vấn đề đặc biệt quan tâm như Triều Tiên, vùng Sừng châu Phi, Trung Đông, Afghanistan, Syria và biến đổi khí hậu.
Một vài người trong số đó, bao gồm đại diện vùng Sừng châu Phi, giữ chức danh “đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc”, làm công tác ngoại giao truyền thống. Tuy nhiên, không giống các chức danh trước đó tại PIF, chức danh lần này của ông Qian là “đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc”.
Theo Wang Yiwei - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, điều này thể hiện với tư cách là đại diện của toàn bộ chính phủ, ông Qian sẽ trở thành một điều phối viên giữa các bộ và ban ngành khác nhau của Quốc vụ viện, cho phép ông tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề quan trọng và phức tạp hơn.
“Điều đó phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các vấn đề của khu vực với Trung Quốc”, chuyên gia Wang lưu ý.
Trong một chuyến thăm khu vực hồi tháng 5 - 6/2022, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Trung Quốc, cam kết sẽ nâng cao vai trò đặc phái viên của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình ở châu Đại Dương. Bắc Kinh đã trở thành một đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn trong khu vực trong khi cố gắng thu hút một số quốc đảo thông qua các cam kết và các chuyến thăm thường xuyên của các quan chức cấp cao.
Tầm quan trọng về địa chính trị của các quần đảo Thái Bình Dương đang gia tăng khi hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương là Bắc Kinh và Washington cạnh tranh sức ảnh hưởng.
Thỏa thuận an ninh năm ngoái giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã khiến Mỹ và Australia, vốn coi Nam Thái Bình Dương là khu vực an ninh của mình, không hài lòng.
Washington đã phản ứng bằng cách cử ngay các quan chức cấp cao tới quần đảo Solomon và các nước láng giềng.
Đến đầu tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Quốc gia Mỹ - quần đảo Thái Bình Dương đầu tiên. Ông đã mời lãnh đạo 12 nước tham dự hội nghị cấp cao và cam kết viện trợ kinh tế 810 triệu USD cho các nước trong khu vực.
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương đầu tiên của nước này, trong đó cảnh báo rằng sức ép kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ phá hoại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực và Mỹ.
Để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sự ảnh hưởng và tăng cường hiện diện ngoại giao của Mỹ trong khu vực, Tổng thống Biden tuyên bố Washington sẽ mở các đại sứ quán mới ở Quần đảo Solomon, Kiribati và Tonga, tăng số lượng đại sứ quán của Mỹ ở quần đảo Thái Bình Dương từ 6 lên 9.
Tổng thống Biden cũng đã bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên của Mỹ tại PIF trong tháng 9 – ba tháng sau khi ông Vương Nghị nói về việc nâng cấp một đặc phái viên cho khu vực.
Để so sánh, Trung Quốc hiện duy trì quan hệ ngoại giao với 10 quốc gia Thái Bình Dương, có đại sứ quán tại 8 quốc gia trong số đó, bao gồm 3 quốc gia mà Mỹ tuyên bố sẽ mở đại sứ quán.
Theo chuyên gia Wang, các quần đảo Thái Bình Dương là một phần của hệ thống liên minh chiến lược toàn cầu của Mỹ. Việc ngăn chặn Trung Quốc cũng là yêu cầu từ các đồng minh trong khu vực, bao gồm Australia.