Trụ sở của Tập đoàn Volkswagen. |
Lực lượng chức năng cũng khám xét nhà riêng của một số cá nhân tình nghi có liên quan tại thành phố Wolfsburg, nơi đặt trụ sở VW cùng nhiều thành phố khác. Theo các công tố viên, mục đích của đợt khám xét này là tìm kiếm và thu giữ các giấy tờ và tài liệu có thể cung cấp thông tin chính xác về hành vi gian lận của VW cũng như danh tính của những người liên quan.
Người phát ngôn cơ quan công tố Đức Julia Meyer cho biết cuộc điều tra "đang nhắm đến nhiều đối tượng".
VW cũng xác nhận đã giao nộp nhiều tài liệu cho các công tố viên, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với các nhà điều tra. Người phát ngôn VW nhấn mạnh việc tìm ra "một lời giải thích thấu đáo và nhanh chóng" cũng nằm trong lợi ích của VW. Tân Giám đốc VW Matthias Mueller cũng thông báo đã đình chỉ việc làm của 4 nhân viên do liên quan tới vụ gian lận.
Cũng liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải này, ông Michael Horn, Giám đốc điều hành chi nhánh VW tại Mỹ, cùng ngày đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông Horn cho biết đã nắm được "vấn đề về khí thải" của các xe VW sử dụng động cơ diesel từ năm 2014, nhưng ông không hề biết về phần mềm gian lận khí thải cho đến khi vụ việc này bị phanh phui hồi tháng trước. Ông Horm đã gửi lời "xin lỗi chân thành" về vụ gian lận này, xuất đồng thời cam kết hợp tác với nhà chức trách để làm sáng tỏ vụ việc.
VW đang vướng vào vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử 78 năm sau khi bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện có hành vi gian lận khí thải thông qua việc sử dụng một phần mềm rất tinh vi. Hành vi gian lận này có thể bị phạt tới hơn 18 tỷ USD. VW thông báo sẽ thu hồi 11 triệu xe có cài phần mềm này trên toàn thế giới để khắc phục sự cố. Cho đến nay, VW đã chi 6,5 tỷ euro (7,3 tỷ USD) cho chiến dịch khắc phục hậu quả này, nhưng các chuyên gia cho rằng số tiền VW bỏ ra có thể lớn hơn rất nhiều.