Cảnh sát và các chuyên gia điều tra bên xác nghi phạm Anis Amri sau khi bị cảnh sát bắn chết tại Milan ngày 23/12/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, việc các nhà chức trách Đức không thể trục xuất nghi phạm người Tunisia Anis Amri đã dẫn đến vụ khủng bố kinh hoàng.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tờ "Bild am Sonntag" (Hình ảnh Chủ nhật) số ra ngày 26/3 đưa tin cảnh sát Liên bang Đức (BKA) ở bang Nordrhein-Westfalen đã từng gửi cảnh báo đến Bộ Nội vụ bang này về khả năng Amri sẽ gây ra một hành động bạo lực. Nordrhein-Westfalen là bang có dân số đông nhất trong số 16 bang của Đức, và cũng là nơi Amri từng nộp đơn xin tị nạn song bị từ chối. Thông qua việc thu thập nội dung trò chuyện của nghi phạm này trên ứng dụng nhắn tin Telegram cài đặt trên điện thoại di động, cảnh sát đã nắm được kế hoạch gây ra một hành động bạo lực của Amri.
Mặc dù nhận được cảnh báo, song Bộ Nội vụ bang Nordrhein-Westfalen cho rằng việc trục xuất Amri là không hợp pháp. Dự kiến, vào ngày 30/3 tới, Bộ trưởng Nội vụ bang Nordrhein-Westfalen Ralf Jäger sẽ phải trả lời chất vấn trước một ủy ban điều tra của Nghị viện bang Nordrhein-Westfalen về vụ việc này. Các đối thủ chính trị của ông Jäger đang kêu gọi thành viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) này từ chức do không hoàn thành nhiệm vụ.
Tối 19/12/2016, nghi phạm Amri đã cướp một chiếc xe tải biển số Ba Lan rồi lao xe vào chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở trung tâm thủ đô Berlin khiến 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Ba ngày sau, Amri bị cảnh sát Italy tiêu diệt trong một cuộc đấu súng ở ngoại ô thành phố Milan, sau khi đối tượng này chạy trốn từ Đức sang Hà Lan, Bỉ, Pháp rồi đến Italy. Amri từng bị từ chối đơn xin tị nạn, song nhà chức trách Đức chưa thể trục xuất đối tượng này do phía Tunisia trì hoãn việc cấp lại giấy tờ tùy thân.