Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA) tuần qua công bố nghiên cứu nêu rõ các nhà khoa học đã phát hiện “vùng chết” ngoài khơi bờ biển hai bang Louisiana và Texas có diện tích lên tới 16.405 km2, rộng hơn nhiều so với diện tích trung bình 13.934 km2 ghi nhận trong 5 năm qua. Diện tích này lớn gấp 2,8 lần so với mục tiêu mà lực lượng đặc nhiệm liên bang đặt ra đến năm 2035, theo đó giảm diện tích vùng chết trung bình trong 5 năm ở khu vực này xuống còn tối đa là 4.921 km2.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, Giáo sư Nancy Rabalais tại Đại học Louisiana, nhấn mạnh: "Sự phân bố lượng oxy hòa tan thấp trong mùa Hè năm nay tương đối bất thường. Hiện tượng này xảy ra rất gần bờ biển, với nhiều nơi gần như hoàn toàn không có oxy".
Đại diện Cơ quan Bảo vệ Môi trường nước Radhika Fox nêu rõ: "Năm nay, chúng ta liên tiếp chứng kiến những ảnh hưởng sâu rộng của biến đổi khí hậu gây ra đối với con người, từ đợt hạn hán lịch sử ở phía Tây đến các trận lũ lụt kinh hoàng. Khí hậu cũng tác động trực tiếp đến nước biển, trong đó có cả dòng chảy bị ô nhiễm vào Vịnh Mexico".
Sự xuất hiện các “vùng chết” là hiện tượng tự nhiên, nhưng theo giới nghiên cứu, các hoạt động của con người đã khiến diện tích của những khu vực này tăng lên. Nước thải nông nghiệp từ các trang trại và khu chăn nuôi chảy ra biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo khiến chúng chết hàng loạt. Trong quá trình này, vi khuẩn tiêu thụ oxy sẽ phân hủy tảo khi chúng chìm xuống đáy biển, từ đó dẫn đến hình thành các vùng chết.
Theo NOAA, hầu hết sinh vật biển sẽ chết, hoặc nếu có thể di chuyển, chúng sẽ rời khỏi các khu vực thiếu oxy. Tuy nhiên, chỉ tiếp xúc vài phút với những “vùng chết” này cũng có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực, như thay đổi chế độ ăn, tốc độ tăng trưởng và sinh sản của cá, hoặc làm giảm số lượng các loài sinh vật biển.
Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ kiểm tra “vùng chết” nhằm tìm biện pháp thu hẹp diện tích không có sự sống này cũng như giảm thiểu tác động của chúng đến tài nguyên biển và nền kinh tế.