Một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu có tên gọi Climate Action Tracker (CAT) đã theo dõi sự tiến bộ của các nước trong việc hướng tới mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ xuống dưới 1,5- 2 độ C.
Theo CAT, năm ngoái, lượng khí thải CO2 do tiêu thụ năng lượng đã tăng lên mức kỷ lục, trong khi hiệu suất của năng lượng tái tạo lại bị chững lại sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, methane, khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả CO2, đã tăng lên trong những năm gần đây do việc sản xuất dầu và khí đốt. Biến đổi khí hậu đang gây nhiều quan ngại và dẫn đến biểu tình trên khắp thế giới.
Đánh giá về kế hoạch khí hậu của 32 quốc gia do CAT tiến hành cho thấy hiện chỉ có Maroc và Gambia là đủ sức đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C.
Nếu các quốc gia thực hiện đầy đủ những kế hoạch theo đúng Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu sẽ trên đà tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, thấp hơn so với mức dự báo tăng 3,3 độ C của CAT vào tháng 12/2018.
Trước đó, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, đã cảnh báo với đại diện các chính phủ và quan chức LHQ trong cuộc họp tại Bonn, Đức, rằng họ sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm tới 45% khí thải vào năm 2030 để hạn chế việc Trái Đất ấm lên.
Tuy nhiên, một số nước đã đặt ra những mục tiêu mới, điển hình như việc Anh nỗ lực giảm khí thải xuống bằng 0 vào năm 2050 và kế hoạch đóng của toàn bộ nhà máy nhiệt điệt vào năm 2040 của Chile.
Hiện có 5 nước, trong đó có Ấn Độ và Costa Rica có mục tiêu phù hợp để tiến tới việc giảm mức tăng nhiệt độ xuống 2 độ C. Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Brazil, Canada, Australia và New Zealand có kế hoạch phù hợp với mức tăng 3 độ C.
Với các mục tiêu đặt ra, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Mỹ đang trên đà khiến mức nhiệt toàn cầu tăng thêm 4 độ C. Chính phủ các nước hiện đang bị hối thúc để đưa ra những kế hoạch mới nhằm chống biến đổi khí hậu tại hội nghị của LHQ dự kiến diễn ra ở New York, Mỹ vào tháng 9 tới.