Sau khi kiềm chế đại dịch tốt hơn nhiều so với các nước khác trong năm ngoái, trong những tháng gần đây, khu vực Đông Nam Á đã lại trở thành tâm dịch toàn cầu với sự hoành hành của biến thể Delta siêu lây nhiễm. Dù số ca nhiễm mới vẫn tăng nhanh ở hầu hết các nước trong khu vực này, nhưng Indonesia và Thái Lan - hai nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại các nhà hàng và trung tâm mua sắm để giảm bớt các tác động kinh tế của việc phong tỏa.
Theo quy định mới, tại thủ đô Jakarta và một số khu vực trên đảo Java đông dân cư tại Indonesia, nhà hàng bên trong các khu mua sắm có thể mở cửa đón khách ở mức 50% công suất và các trung tâm mua sắm được phép mở cửa đến 21h00 trong khi các nhà máy được phép hoạt động 100% công suất. Trong khi đó, Bangkok và 28 tỉnh thành khác của Thái Lan từng nằm trong danh sách có các ổ dịch nghiêm trọng có thể được mở cửa trở lại, các nhà hàng và trung tâm mua sắm được đón khách từ 50 - 75% công suất và mở cửa đến 20h.
Các biện pháp nới lỏng được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể. Indonesia ghi nhận 10.534 ca nhiễm mới trong ngày 31/8, tương đương 20% mức đỉnh ghi nhận giữa tháng 7, trong khi Thái Lan có 14.802 ca nhiễm mới trong ngày 1/9, giảm 37% so với mức đỉnh ghi nhận giữa tháng 8. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết nới lỏng các biện pháp phòng dịch lúc này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn rất thấp và tỷ lệ xét nghiệm ít trong khi tỷ lệ dương tính thường trên mức 5% mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Các tỷ lệ này của Indonesia là 12% và Thái Lan là 34%.
Điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, ông Abhishek Rimal bày tỏ: “Chúng tôi vẫn lo ngại về việc mở cửa nền kinh tế khi chưa đạt các tiêu chí mà WHO đưa ra. Giờ đây, khi biến thể Delta hoành hành và tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến dịch bệnh tái bùng phát trong những ngày tới”.
Hiện tỷ lệ người dân được tiêm mũi vaccine đầu tiên ở Indonesia và Thái Lan là khoảng 30%. Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi ở Indonesia là 17% và ở Thái Lan là 11%. Thủ đô Jakarta và Bangkok có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Ông Dale Fisher, một chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, thừa nhận rằng các lợi ích kinh tế của việc nới lỏng phong tỏa là không thể phủ nhận, nhưng cũng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, hiện Indonesia ghi nhận trên 4 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó trên 133.000 người đã tử vong. Các con số này ở Thái Lan lần lượt là 1,2 triệu và 11.841 người.