Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Global Health, LHQ cho biết trong 6 tháng tới, các nước nghèo hơn tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh có thể ghi nhận thêm khoảng 1,2 triệu trẻ em tử vong.
Ngoài ra, cùng thời gian này có thể sẽ có thêm khoảng 56.700 ca tử vong ở thai phụ, tăng khoảng 40% so với 144.000 ca tử vong thai phụ tại 118 quốc gia trên thế giới.
Cũng theo LHQ, 10 quốc gia có thể chứng kiến mức gia tăng số ca tử vong ở trẻ em cao nhất là Bangladesh, Brazil, Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Uganda và Tanzania.
Kết quả nghiên cứu này dựa trên phép toán trên máy tính nhằm tính toán tác động của việc giảm kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc tiền và hậu sản, sinh nở, các dịch vụ tiêm vaccine và phòng, chữa bệnh.
Theo Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Henrietta Fore, với kịch bản xấu nhất, số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu có thể sẽ lần đầu tiên tăng trong nhiều thập kỷ qua. UNICEF đặc biệt quan ngại về tác động của đại dịch COVID-19 và đang phát động một chiến dịch toàn cầu mang tên "#Reimagine" (tạm dịch "Hãy tư duy khác đi") nhằm ngăn chặn đại dịch trở thành một cuộc khủng hoảng lâu dài đối với trẻ em.
Ngoài ra, UNICEF cũng đang đưa ra kiến nghị khẩn cấp đối với các chính phủ, công chúng, các tổ chức từ thiện và lĩnh vực tư nhân để đưa ra phản ứng đối phó với tác động của bệnh dịch đối với trẻ em.