Đài Sputnik dẫn lời ông Keith Cressman, chuyên viên dự báo tại Locust Watch – thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ngày 17/3 cho biết vùng châu Phi và Trung Đông sắp sửa hứng chịu đợt tấn công kinh hoàng nhất của châu chấu trong hơn 30 năm qua. Theo tờ The Times of Israel, lần cuối khu vực này phải đối mặt với mối đe dọa trầm trọng như vậy là năm 1987 – 1989.
Dựa theo báo cáo mới nhất của tổ chức trên, ông Cressman cho biết các đàn châu chấu vô cùng đáng báo động đã hình thành tại vùng Sừng châu Phi. Trang web của Locust Watch cảnh báo tốc độ lây lan của loài côn trùng nguy hại này tại Kenya, Ethiopia và Somalia cho thấy “mối đe dọa chưa từng có tiền lệ đối với sinh kế và an ninh lương thực tại thời điểm bắt đầu vụ mùa tiếp theo”.
“Bắt đầu từ đầu năm 2020, nạn châu chấu sa mạc trên toàn cầu đang xấu đi khi điều kiện khí hậu thích hợp cho phép chúng lan rộng tại Đông Phi, Tây Nam Á và khu vực xung quanh Biển Đỏ”, website viết, trong đó chỉ ra Kenya, Ethiopia, Somalia, Iran, Pakistan và Sudan là các nước bị tấn công nặng nề nhất.
Tuy nhiên, ông Keith Cressman xác nhận không phải toàn bộ vùng Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng bởi loài côn trùng này. Có khả năng chúng sẽ không tấn công Israel.
Châu chấu không đe dọa sức khỏe của con người và vật nuôi, nhưng lại gây hại cho ngành nông nghiệp và phiền toái cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Chúng ăn tất cả các loài thực vật, lá, hoa, quả, hạt và thân cây.