Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Đức tiếp tục leo thang

Ngày 19/7, báo Die Zeit của Đức đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung thêm Tập đoàn sản xuất ô tô Daimler và Công ty hóa học BASF của Đức vào "danh sách các cá nhân và tổ chức bị tình nghi ủng hộ khủng bố" do chính quyền Ankara lập ra.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại một sự kiện ở Ankara ngày 2/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Các công ty này bị cáo buộc ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái. Theo tờ báo, danh sách trên, vốn đã được gửi tới giới chức Đức, hiện bao gồm 68 cá nhân và tổ chức.

Trước đó, ngày 18/7, Đức đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin tới để phản đối việc Ankara bắt giữ 6 nhà hoạt động vì quyền con người, bao gồm cả một người Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.

Trong một năm qua, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng sóng gió liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố... 


Mâu thuẫn giữa hai nước thành viên NATO này tiếp tục leo thang sau khi Ankara từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Đức đã ngăn chặn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này để tiến hành vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp nhằm tập trung quyền lực vào Tổng thống Tayyip Erdogan.

TTXVN/Tin Tức
NATO kêu gọi Đức và Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt tranh cãi
NATO kêu gọi Đức và Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt tranh cãi

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chấm dứt cuộc tranh cãi về chuyến thăm của các nghị sĩ Đức tới căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN