Ngày 21/10, cảnh sát Lebanon (Libăng) đã phải bắn chỉ thiên và dùng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình cố xông vào tòa nhà Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Beirut (Bâyrút), trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi Thủ tướng Najib Mikati từ chức sau vụ đánh bom kinh hoàng ngày 19/10 làm gần 130 người thương vong, trong đó có Giám đốc tình báo an ninh Wissam al-Hassan thiệt mạng.
Lực lượng an ninh xem xét bên đống đổ vỡ tại hiện trường ngày 20/10, một ngày sau vụ nổ bom. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đám tang của ông al-Hassan trong ngày 20/10 ban đầu được xem là dịp để những người biểu tình thể hiện sự phản đối bạo lực và can thiệp từ bên ngoài vào Lebanon. Tuy nhiên sau đó cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi đám đông quá khích nhằm vào Thủ tướng Mikati, người đã đệ đơn từ chức song Tổng thống al-Hassan Michel Suleiman đã bác đơn.
Trên website của Thủ tướng, một thông báo cho biết hơn 15 nhân viên an ninh đã bị thương khi ngăn cản người biểu tình bên ngoài Văn phòng Thủ tướng. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một cảnh sát Lebanon cho biết sau đám tang Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan ở trung tâm Beirut, hàng trăm thanh niên đã hướng về tòa nhà Văn phòng Thủ tướng nhưng bị lực lượng an ninh bắn chỉ thiên, dùng hơi cay chặn lại. Lãnh đạo phe đối lập Saad Hariri đã kêu gọi người biểu tình quá khích rút khỏi đường phố. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta muốn Lebanon tiếp tục hòa bình và dân chủ".
Rạng sáng 22/10, người ta nghe thấy tiếng súng dữ dội ở quận Tariq Jdideh, phía Tây thủ đô Bâyrút. Truyền hình Lebanon Al-Jadeed cho biết đã xảy ra đọ súng giữa các nhóm tuyên bố trung thành với lãnh đạo phe đối lập Saad Hariri và các nhóm đối thủ. Nhiều người dân đã bị thương trong cuộc đọ súng này. Ông Saad Hariri là con trai của cựu Thủ tướng Lebanon Rafig Hariri, người bị ám sát trong một vụ đánh bom ở Beirut cách đây 7 năm mà có nhiều cáo buộc rằng Syria đứng đằng sau vụ này. Phe đối lập tại Lebanon hiện cũng đưa ra cáo buộc tương tự về vụ đánh bom nhằm vào Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan, người chỉ đạo cuộc điều tra về vụ ám sát ông Saad Hariri. Phe đối lập cho rằng Thủ tướng Mikati phải từ chức và chính phủ của ông bị các đảng phái thân Syria kiểm soát phải giải tán.
Bạo lực cũng xảy ra ở thành phố miền Bắc Tripoli, quê nhà của Thủ tướng Mikati. Các nguồn tin an ninh và y tế cho biết đụng độ giữa các nhóm ủng hộ và phản đối chế độ tại Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đã làm một bé gái 9 tuổi thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Tại miền Nam, nhiều thanh niên đã xuống đường biểu tình, phong tỏa một số tuyến đường, thể hiện sự tức giận đối với vụ đánh bom ở Beirut ngày 19/10.
Dư luận thế giới đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom trên, coi đây là hành động khủng bố. Trong một phát biểu trên truyền hình Pháp, Ngoại trưởng nước này, ông Laurent Fabius cho rằng chính quyền Syria liên quan vụ đánh bom sát hại người đứng đầu cơ quan tình báo Lebanon. Theo ông Fabius, các bằng chứng cho thấy "vụ tấn công này là kết quả của sự chia rẽ tại Syria". Ông cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria dẫn đến leo thang căng thẳng tại các nước láng giềng trong đó có Lebanon.
TTXVN/Tin tức