Lời kêu gọi trên được đưa ra trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tại Istanbul. Phát biểu tại lễ khánh thành đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nhận định những căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã chạm tới ngưỡng nguy hiểm và Ankara không muốn khu vực này biến thành một vùng chiến sự.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng cao độ khi Mỹ và Iran có các hoạt động quân sự trả đũa nhằm vào các mục tiêu của nhau trên lãnh thổ Iraq. Tình hình đặc biệt leo thang sau vụ không kích của Mỹ sát hại Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3/1. Sáng 8/1, Iran đã đáp trả bằng việc phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ ở Iraq, nơi các binh sĩ Mỹ và liên quân đồn trú.
Trong phản ứng của mình, Bộ Quốc phòng Slovenia ngày 8/1 cho biết, 6 binh sĩ nước này đồn trú ở miền Bắc Iraq trong khuôn khổ sứ mệnh huấn luyện do Đức đứng đầu sẽ được sơ tán sau khi căn cứ của họ bị Iran tấn công bằng tên lửa. Việc sơ tán sẽ được tiến hành với sự hợp tác của đối tác phía Đức, nhưng chưa cho biết địa điểm mà các binh sĩ này sẽ được chuyển đến. Bộ trên cũng khẳng định các binh sĩ nước mình không bị thương trong vụ tấn công gần Arbil vì đã vào nơi trú ẩn an toàn trong căn cứ khi xảy ra vụ tấn công.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Iraq do các quan ngại về an ninh. Bộ trên cũng nâng cấp độ cảnh báo liên quan một số khu vực ở cả Iran và Iraq, kêu gọi các công dân Nhật Bản sơ tán khỏi Iraq và kiềm chế di chuyển tới Tehran cũng như một số khu vực khác ở Iran.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi các công dân nước này ở thành phố Haifa của Israel nên thận trọng trước những căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Tuyên bố nêu rõ "sau sự leo thang căng thẳng gần đây tại khu vực, thành phố Haifa là mục tiêu của nhiều mối đe dọa rõ ràng", song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.