Cảng Biển Đen láng giềng chật vật xử lý ngũ cốc dồn từ Ukraine

Trong lúc các cảng biển của Ukraine bị Nga phong tỏa, cảng Constanta bên bờ Biển Đen của nước láng giềng Romania đã nổi lên như một đường dẫn chính cho xuất khẩu ngũ cốc của đất nước bị chiến tranh tàn phá.

  

Chú thích ảnh
Tàu neo ở cảng Constata, Romania ngày 21/62022. Ảnh: AP 

Đây là cảng lớn nhất của Romania, nơi có cổng nạp ngũ cốc nhanh nhất châu Âu và đã xử lý gần một triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn nhất thế giới - kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Tuy nhiên, các nhà khai thác cảng nói rằng việc duy trì, chưa nói đến việc tăng, khối lượng ngũ cốc mà họ xử lý sẽ khó thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ và đầu tư của Liên minh Châu Âu.

Dan Dolghin, giám đốc mảng ngũ cốc tại nhà điều hành Comvex của cảng Constanta, cho biết: “Nếu chúng tôi muốn tiếp tục giúp đỡ nông dân Ukraine, chúng tôi cần được giúp đỡ để tăng năng lực bốc dỡ của mình”.

Ông nói thêm: “Không một nhà điều hành nào sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để rồi trở nên dư thừa khi chiến tranh kết thúc”.

Comvex có thể xử lý tới 72.000 tấn ngũ cốc mỗi ngày. Khối lượng đó cộng với sự gần gũi bằng đường bộ với Ukraine, và bằng đường biển với Kênh đào Suez, khiến Constanta trở thành tuyến đường tốt nhất hiện nay cho xuất khẩu nông sản của Ukraine. Các giải pháp thay thế khác chỉ các chuyến hàng đường bộ và đường sắt qua biên giới phía tây của Ukraine đến Ba Lan và các cảng Biển Baltic của nước này.

Chú thích ảnh
Ngũ cốc Ukraine được chất đầy sà lan ở cảng Constanta, Romania ngày 21/6/2022. Ảnh: AP

Những nỗ lực nhằm dỡ bỏ phong tỏa của Nga ở Biển Đen đã không đạt kết quả, trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cảnh báo có thể có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia đối mặt với khủng hoảng lương thực hoặc mức độ đói tồi tệ hơn trong năm nay liên quan đến cuộc chiến Ukraine.

Chỉ vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, Comvex đã đầu tư vào một cơ sở xếp dỡ mới, với dự đoán rằng quốc gia láng giềng sẽ phải chuyển hướng hoạt động xuất khẩu nông sản.

Điều này cho phép cảng Constanta trong vòng 4 tháng qua có thể vận chuyển gần một triệu tấn ngũ cốc Ukraine, phần lớn đến bằng sà lan xuôi theo sông Danube. Nhưng với khối lượng ngũ cốc gấp 20 lần như thế vẫn bị chặn ở Ukraine và mùa thu hoạch mùa hè đang đến nhanh ở Romania và các quốc gia khác sử dụng cảng này để xuất khẩu, tốc độ vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua cảng Constanta sẽ chậm lại.

Thứ trưởng nông nghiệp Ukraine, Markian Dmytrasevych, đã bày tỏ lo lắng. Trong bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu vào đầu tháng này, ông Dmytrasevych nói rằng khi cảng Constanta chuyển sang phục vụ các nhà cung cấp ngũ cốc Châu Âu vào mùa hè, “điều đó sẽ gây khó khăn thêm cho xuất khẩu các sản phẩm của Ukraine.”

Chú thích ảnh
Xe tải chở ngũ cốc xếp hàng ở cảng Comvex ngày 21/6/2022. Ảnh: AP 

Các quan chức Romania và EU cũng đã bày tỏ quan ngại, cùng những cam kết hỗ trợ.

Trong chuyến thăm gần đây tới Kiev cùng với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Italy, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết đất nước ông đang tìm kiếm các biện pháp khả thi để khắc phục tình trạng "vũ khí hóa xuất khẩu ngũ cốc của Nga".

Ông Iohannis cho biết các giải pháp được thảo luận tại Kiev bao gồm đẩy nhanh các chuyến hàng bằng sà lan trên sông Danube, tăng tốc độ dỡ hàng tại các cảng Romania, mở các cửa khẩu mới cho xe tải chở ngũ cốc Ukraine và mở lại tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động nối Romania với Ukraine và Moldova.

Nhà phân tích người Romania, George Vulcanescu cho biết việc tìm kiếm các tuyến đường thay thế cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vượt ra ngoài khả năng của các công ty hậu cần tư nhân hoặc bất kỳ quốc gia nào. Theo ông, cần một “liên minh sẵn sàng” quốc tế để giải quyết vấn đề, như lời kêu gọi của Tổng thống Romania ở Kiev.

Theo ông Vulcanescu nói, chỉ có ba tuyến đường khả thi về mặt tài chính cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine - qua Romania, Ba Lan hoặc các nước Baltic.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Ukraine ra lệnh rút quân khỏi ‘chảo lửa’ Severodonetsk
Ukraine ra lệnh rút quân khỏi ‘chảo lửa’ Severodonetsk

Ngày 24/6, các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin binh sĩ Ukraine đã được lệnh rút khỏi thành phố chiến lược Severodonetsk khi cuộc xung đột hiện nay giữa nước này và Nga bước sang tháng thứ 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN