Bộ trưởng Nhập cư Canada Marco Mendicino khẳng định: “Chúng tôi sẽ giúp nhiều nhất có thể cho những người Afghanistan muốn sống tại Canada”.
Canada đã rút binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan cách đây 7 năm. Trong nỗ lực sơ tán quốc tế gần đây, Canada đã giúp sơ tán khoảng 3.700 người Afghanistan khỏi Kabul, gồm những người Afghanistan làm việc cho các lực lượng vũ trang của Canada.
5.000 người tị nạn được Mỹ sơ tán sẽ được cung cấp chỗ ở trong khuôn khổ một kế hoạch của Canada được thông báo trước đó nhằm đón hơn 20.000 người Afghanistan dễ bị tổn thương – trong đó có các lãnh đạo nữ, các nhà báo… Canada cũng biết sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ những người Afghanistan muốn tái định cư ở Canada nếu Taliban cho phép họ ra đi.
Trong diễn biến liên quan, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thống nhất quan điểm về vấn đề người di cư Afghanistan.
Phát biểu trước thềm hội nghị Bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU ở Brussels, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ, bà Ylva Johansson khẳng định: “Chúng ta cần tránh cuộc khủng hoảng nhân đạo, tránh cuộc khủng hoảng di cư và tránh các mối đe dọa an ninh. Nhưng chúng ta cũng cần hành động ngay bây giờ và không đợi đến khi có những dòng người di cư lớn ở các khu vực biên giới ngoài của khối, hay đến khi các tổ chức khủng bố mạnh hơn”. Bà Johansson nhấn mạnh: “Cần tránh tình huống như năm 2015, và chúng ta hoàn toàn có thể tránh được, giờ đây chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn và có thể giải quyết mọi việc ngay từ bây giờ”.
Dự kiến tại hội nghị tới, các Bộ trưởng nội vụ EU sẽ thông qua một tuyên bố, trong đó bao gồm việc hỗ trợ cho các nước trong khu vực nhận người tị nạn Afghanistan. Trong bản dự thảo tuyên bố, các nước thành viên bày tỏ “quyết tâm cùng nhau hành động để tránh tái diễn tình trạng những phong trào di cư trái phép quy mô lớn và không thể kiểm soát” như năm 2015, khi có hơn một triệu người di cư hầu hết đến từ Syria.
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với EU nhằm đón nhận hàng triệu người di cư đến châu Âu để đổi lại một số ưu đãi như hỗ trợ tài chính. EU có thể sẽ tìm cách làm điều tương tự với các nước láng giềng của Afghanistan, nhưng các quan chức cấp cao cho biết ưu tiên là ổn định tình hình trong nước ở quốc gia Tây Nam Á này.
Các nỗ lực trên được đưa ra trong bối cảnh trên thực địa, người ta vẫn nghe thấy tiếng súng nổ ở thủ đô Kabul ngày 31/8. Taliban hiện đã kiểm soát sân bay Kabul sau khi Mỹ rút đi, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm qua tại Afghanistan.