Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc hợp tác để chấm dứt dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhất trí rằng đại dịch sẽ không thể kết thúc nếu tất cả mọi người trên thế giới không được tiếp cận với vaccine. Để đảm bảo sự phục hồi kinh tế, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tránh áp dụng các biện pháp có thể dẫn đến hạn chế thương mại và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa hai nước. Cả hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn về "xây dựng lại nền kinh tế tốt hơn" thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn và tạo việc làm cho tầng lớp trung lưu, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên. Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc giải quyết tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử có hệ thống và thành kiến vô thức, qua các phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn đối với an ninh công cộng, tư pháp hình sự và thực thi pháp luật.
Nhà lãnh đạo Canada và Mỹ cam kết chung tay hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Nội dung của cuộc hội đàm đề cập đến việc hợp tác để giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, cũng như hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng sạch.
Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden thông báo về việc thành lập Nhóm cấp cao về khí hậu để điều chỉnh các chính sách và mục tiêu của hai nước nhằm tăng cường tham vọng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Thủ tướng Trudeau cũng nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng năng lượng tích hợp của Canada, bao gồm cả dầu và khí đốt, sẽ vẫn cần thiết trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai trung hòa khí thải carbon. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề quốc phòng và an ninh, bao gồm hiện đại hóa Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), cũng như các sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), các mối đe dọa an ninh mạng và vũ khí.
Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden nhấn mạnh về nỗ lực giải quyết các thách thức quan trọng của khu vực, quốc gia và toàn cầu và những ưu tiên tại các diễn đàn đa phương, bao gồm Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7), Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Liên hợp quốc.
Đây là cuộc hội đàm song phương đầu tiên của Tổng thống Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức tháng 1/2021. Trong bối cảnh đại dịch, cuộc hội đàm diễn ra dưới hình thức trực tuyến và được cho là để thay thế chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ, theo truyền thống là thăm Canada.
Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất và an toàn nhất trên thế giới, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,15 tỷ USD qua lại mỗi ngày. Năm 2019, Canada là thị trường nhập khẩu hàng đầu đối với 20 bang của Mỹ. Canada cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ và mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cộng lại.