Cơ quan dịch vụ biên giới Canada cho biết quyết định miễn trừ này có hiệu lực vào lúc 23h59' (giờ địa phương) ngày 8/6 tức 10h59' (giờ Việt Nam) ngày 9/6 và được áp dụng đối với các đối tượng không phải người Canada như vợ hoặc chồng, trẻ em, phụ huynh hay người giám hộ công dân Canada, người có thẻ thường trú nhân của Canada. Những người này phải bảo đảm không mắc hoặc có triệu chứng mắc COVID-19, tự cách ly 2 tuần ngay sau khi đến Canada và có kế hoạch ở Canada trong ít nhất 15 ngày. Bên cạnh đó, họ vẫn phải có các loại giấy tờ thông thường khác như thị thực hoặc giấy thông hành điện tử.
Theo Bộ trưởng nhập cư Canada Marco Mendicino, mục tiêu của quy định này là giúp các gia đình Canada đoàn tụ trong thời điểm dịch bệnh chưa từng có này.
Cuối tháng 5 vừa qua, Canada và Mỹ đã đạt thỏa thuận kéo dài thời gian đóng cửa biên giới chung giữa hai nước ít nhất cho đến ngày 21/6, song vẫn cho phép một số ít người qua lại biên giới như nhân viên y tế trong hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn được thực hiện.
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Canada ghi nhận 96.244 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.835 ca tử vong.
Cùng ngày, Argentina đã bắt đầu dần mở cửa trở lại sau hơn 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, một số hoạt động kinh tế sẽ được nối lại tại 18 trong số 24 tỉnh thành của nước này. Các cửa hàng quần áo giày dép đã đón khách trở lại, người dân được phép đi tập thể dục trong khoảng từ 8h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 28/6, song sẽ được nới lỏng ở những khu vực có ít hoặc không có ca mắc COVID-19. Trong khi đó, các trường học trên toàn quốc vẫn đóng cửa trong khi các cuộc tụ tập đông người, hoạt động biểu diễn, hòa nhạc và thi đấu thể thao vẫn bị cấm.
Theo thống kê của trang mạng Worldometers.info, tính đến nay, Argentina ghi nhận 23.620 ca mắc COVID-19, trong đó có 693 ca tử vong. Chính phủ Argentina đã chi tương đương 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này nhằm hỗ trợ người lao động, người nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh quốc gia Mỹ Latinh vẫn đang nỗ lực vượt qua cuộc suy thoái từ năm 2018 và giải quyết nợ công.
Tương tự Argentina, Honduras ngày 8/6 cũng bắt đầu dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 tháng tê liệt do dịch bệnh.
Theo kế hoạch của Chính phủ, ban đầu chỉ có khoảng 20% người lao động quay lại làm việc tại thủ đô Tegucigalpa và khu vực miền Bắc, vốn là những "điểm nóng" dịch bệnh. Trong khi đó, ở những vùng khác, 40-60% người lao động sẽ trở lại làm việc. Tuy nhiên, giới chức Honduras cho biết sẽ ngừng mở cửa trở lại nếu phát hiện đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Hồi giữa tháng 3, Honduras đã ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, đóng cửa các cửa hàng, hoạt động sản xuất công nghiệp, văn phòng nhà nước... Hiện lệnh giới nghiêm sẽ vẫn được duy trì từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Theo Hội đồng các doanh nghiệp tư nhân Honduras, khoảng 500.000 việc làm đã bị mất trong giai đoạn áp đặt lệnh phong tỏa. Ngân hàng trung ương Honduras dự báo GDP sẽ giảm từ 2,9-3,9% trong năm nay, sau khi mức tăng 2,7% trong năm 2019.
Tính đến thời điểm này, Honduras đã ghi nhận 6.450 ca mắc COVID-19, trong đó có 262 ca tử vong.