Các chuyên gia nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng có thể giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên. Do vậy, NACI cho rằng cần phải ngăn chặn nguy cơ này và giảm thiểu rủi ro mắc các biến thể có khả năng lây truyền cao, đồng thời khuyến cáo chính quyền các địa phương xem xét cung cấp liều vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 70-79 tuổi sống trong cộng đồng.
NACI đề nghị các tỉnh bang nên cung cấp vaccine cho người dân tiêm mũi tăng cường thứ hai 6 tháng sau liều tăng cường đầu tiên (liều thứ 3), nhưng khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm này có thể ngắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh tiến triển mạnh.
Alyson Kelvin, nhà virus học tại Tổ chức Vaccine và bệnh truyền nhiễm (VIDO) thuộc trường Đại học Saskatchewan, cho biết khả năng miễn dịch suy giảm trong khoảng thời gian từ 5-6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, tương tự như vaccine phòng cúm mùa.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, NACI đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Sau đó, các khu vực ở Canada có một cách tiếp cận "chắp vá" trong việc cung cấp liều vaccine này. Ví dụ, liều vacine tăng cường thứ hai dự kiến sẽ sớm được cung cấp cho những người trên 60 tuổi ở Ontario và những người trên 70 tuổi ở British Columbia, trong khi Quebec hiện đang tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 80 tuổi trở lên.
Mỹ đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 50 tuổi trở lên và cho bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Dữ liệu của Mỹ cho thấy trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron, nguy cơ tử vong ở những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường thấp hơn 21 lần so với những người không được tiêm chủng và nguy cơ nhập viện thấp hơn 7 lần.