Bà Haugen - người đã rời bỏ vị trí Giám đốc sản phẩm tại Facebook hồi tháng 5/2021 - cáo buộc mạng xã hội này đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của người dùng với những minh chứng thể hiện rõ trong việc không bảo vệ trẻ em và sức khỏe tâm thần của trẻ, hay việc "thổi bùng" thông tin sai lệch và kích động bạo lực chính trị. Bà cũng kêu gọi các chính phủ giám sát chặt chẽ hơn để giải quyết những vấn đề này. Phát biểu trên chương trình phát thanh The Current, bà Haugen nhấn mạnh: "Tôi tin rằng Canada có thể là nước đi đầu trong việc thúc đẩy sự thay đổi đó".
Năm 2021, Vương quốc Anh đã đưa ra các quy định về cách các trang web và các ứng dụng tương tác với trẻ em trên không gian mạng, cũng như việc các nền tảng trực tuyến lưu trữ và sử dụng dữ liệu của đối tượng người dùng là trẻ em. Do các quy định mới này, nền tảng chia sẻ video TikTok đã ngừng gửi thông báo cho người dùng nhỏ tuổi vào buổi tối, trong khi dịch vụ chia sẻ video YouTube cũng loại bỏ chức năng tự động phát video đối với người dùng từ 13-17 tuổi. Với người dùng dưới 18 tuổi, Facebook đã loại bỏ một số hình thức quảng cáo, trong khi nền tảng Instagram mặc định tài khoản của người dùng tuổi teen ở chế độ riêng tư.
Bà Haugen cho biết một liên minh do Canada dẫn đầu có thể kêu gọi những thay đổi tương tự thông qua luật pháp phối hợp (giữa các nước) đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình từ Facebook. Chính phủ liên bang Canada từng đưa ra thảo luận tại quốc hội 3 dự luật xoay quanh các biện pháp bảo vệ người dân trên không gian mạng. Tuy nhiên, cả 3 dự luật này đã "chết yểu" khi quốc hội bị giải tán vào tháng 8/2021 trước cuộc bầu cử liên bang, mặc dù đảng Tự do đã cam kết khôi phục các dự luật này. Trong 3 dự luật được đề cập, dự luật C-10 nhằm cập nhật Đạo luật Phát thanh-truyền hình, trong khi dự luật C-36 đề xuất những thay đổi để hạn chế ngôn từ kích động thù địch trên mạng trực tuyến. Còn dự luật C-11 hứa hẹn rằng người Canada sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu trực tuyến của họ, với các hình phạt nặng cho các công ty vi phạm quyền riêng tư.
Khi "phơi bày sự thật" về Facebook, bà Frances Haugen đã cáo buộc công ty này nhận thức được rằng ứng dụng Instagram có thể có tác động tiêu cực đến quan điểm về thẩm mỹ và sức khỏe tâm thần của người dùng, nhưng họ đã không hành động - điều mà các nhà lập pháp Mỹ đặc biệt quan tâm khi bà Haugen ra điều trần trước một Ủy ban Thượng viện Mỹ vào tháng 10/2021. Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg cho rằng các cáo buộc của bà Haugen đã làm sai lệch công việc và các ưu tiên của Facebook. Cuối tháng 10/2021, Facebook Inc. quyết định đổi tên công ty thành Meta, trong bối cảnh ông Zuckerberg đặt ra tầm nhìn về một thế giới kỹ thuật số, nơi mọi người có thể sử dụng hình đại diện để chơi trò chơi cùng nhau hoặc tham dự các buổi hòa nhạc trực tuyến.