Campuchia tăng cường kiểm soát biên giới để phòng, chống dịch COVID-19

Các binh lính Campuchia phải thẩm vấn tất cả những người cố tình vượt biên giới trái phép để xác định những đường mòn lối mở vẫn được sử dụng cho việc xâm nhập vào Campuchia và trốn tránh các quy định về cách ly phòng dịch. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Liên quan tới hoạt động kiểm soát phòng dịch tại tỉnh biên giới tỉnh Battambang, tối 15/2, Thủ tướng Hun Sen đã ký sắc lệnh đình chỉ công tác đối với người đứng đầu lực lượng cảnh sát huyện Kamrieng (tỉnh Battambang) Kim Ponlork với cáo buộc nhận hối lộ để thả một đối tượng môi giới đưa lao động Campuchia từ Thái Lan về nước bất hợp pháp. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia khẳng định sắc lệnh này có thể dẫn tới việc cách chức bất kỳ một quan chức nào bị phát hiện vi phạm các biện pháp về chống buôn người. 

Báo chí Campuchia cho biết hơn 200.000 lao động Campuchia đã được chính quyền Thái Lan cấp giấy phép tiếp tục làm việc tại nước láng giềng này. Từ ngày 15/1/2021, Thái Lan đã cho thời hạn một tháng để lao động di cư từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar đăng ký giấy phép làm việc và cư trú hai năm. Bộ trưởng Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Heng Sour cho biết trong tổng số 654.864 lao động nước ngoài đăng ký với Bộ Lao động Thái Lan (trong thời gian từ 15/1 đến 13/2) có tổng cộng 203.670 người Campuchia. 

Cũng trong chiều 15/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo khẩn cấp về việc phát hiện 3 trường hợp nhập cảnh nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, gồm 2 công dân Ấn Độ và 1 công dân Trung Quốc. Đến sáng 16/2, Campuchia có 479 ca nhiễm COVID-19, trong đó 469 trường hợp đã khỏi bệnh (305 nam, 164 nữ). 

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, trong 3 ngày làm việc cuối tuần qua (10-12/2), khoảng 1.500 người Campuchia đã được tiêm vaccine Sinopharm ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể lây lan nhanh của virus gây bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trợ lý phát ngôn viên CCSA Apisamai Srirangson cho biết biến thể Nam Phi cần được giám sát chặt chẽ hơn vì nó được cho là lây lan nhanh hơn, điều có thể làm trầm trọng thêm đợt bùng phát hiện nay ở Thái Lan. Bà Apisamai nói: “Chúng tôi có thể cần tăng thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi lên 21 ngày”.

Về thuốc điều trị, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Siriraj, Giáo sư Prasit Watanapa, khẳng định rằng thuốc kháng virus favipirapir (còn được biết đến với tên thương hiệu là Avigan) có thể được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Nam Phi, mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác nhận hiệu quả của nó.

Ngày 15/2, Thái Lan ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do COVID-19 và 143 trường hợp mắc mới, nâng số người tử vong lên 82 người và số ca nhiễm lên 24.714 người kể từ khi đại dịch bắt đầu ở nước này một năm trước.

Trần Long - Trần Quang (TTXVN)
Brazil đã đánh cược thuốc chưa kiểm chứng để điều trị COVID-19 như thế nào?
Brazil đã đánh cược thuốc chưa kiểm chứng để điều trị COVID-19 như thế nào?

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ lâu đã có niềm tin tuyệt đối vào các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, bao gồm chloroquine và hydroxychloroquine, để chữa bệnh COVID-19, bất chấp nhiều nghiên cứu cho thấy chúng không thực sự có hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN