Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 16/2: WHO chấp nhận vaccine AstraZeneca; New Zealand phong tỏa Auckland 3 ngày

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 248.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 109,6 triệu ca, trong đó trên 2,41 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rhode Island, Mỹ, ngày 13/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 46.800 ca), Brazil (32.197 ca) và Nga (14.207 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (887 ca), Brazil (479 ca) và Pháp (412 ca).

Trong khi số ca mắc và tử vong vì COVID-19 giảm dần trên toàn thế giới, ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca, qua đó cho phép khởi động phân phối những vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Đại học Oxford hợp tác với hãng dược AstraZeneca bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố của WHO nêu rõ: "WHO  bật đèn xanh cho những vaccine này được triển khai toàn cầu thông qua COVAX (chương trình phân phối công bằng vaccine của WHO)".

Hai loại vaccine được phê duyệt nói trên đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tại Hàn Quốc. Ngoài 2 phiên bản vaccine nói trên, đến nay mới chỉ có vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm, Tiến sĩ Mariangela Simao nhấn mạnh các nước đến nay chưa được tiếp cận với các loại vaccine ngừa COVID-19 cuối cùng sẽ có thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân có nguy cơ cao, góp phần vào thực hiện mục tiêu của COVAX là phân phối công bằng vaccine. Tuy nhiên, WHO sẽ phải duy trì áp lực để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân cư ưu tiên ở khắp mọi nơi và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận toàn cầu. Để làm được điều này cần phải mở rộng năng lực bào chế vaccine và các nhà phát triển vaccine cần đẩy nhanh tiến độ gửi đơn đăng ký vaccine để WHO xem xét.

Châu Á

Hàn Quốc gia hạn cảnh báo đi lại 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã gia hạn khuyến cáo đặc biệt đối với việc du lịch nước ngoài thêm một tháng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Theo đó, người dân tiếp tục được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài đã lên kế hoạch. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 17/3 tới. Khuyến cáo hiện tại được ban hành hồi tháng 12 năm ngoái, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn trong ngày 15/2.

Chính phủ Hàn Quốc gia hạn cảnh báo đi lại trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục hạn chế người nước ngoài nhập cảnh và đình chỉ các chuyến bay quốc tế do đại dịch COVID-19. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch, tránh tụ tập đông người và các hoạt động ngoài trời cũng như hạn chế tiếp xúc với người khác.

Philippines hoãn kế hoạch mở lại rạp chiếu phim 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đeo khẩu trang và tấm chắn nhựa phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết Philippines đã quyết định lùi thời điểm mở cửa trở lại các rạp chiếu phim sang ngày 1/3 tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình, ông Roque nêu rõ Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục thảo luận với các chính quyền địa phương về các biện pháp an toàn phòng dịch trước khi các rạp chiếu phim có thể mở lại. Các biện pháp có thể bao gồm hạn chế số khán giả trong rạp, yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về y tế cộng đồng. 

Hồi tuần trước, nhóm đặc trách chống COVID-19 của Philippines đã thông qua quyết định cho phép thêm nhiều doanh nghiệp, trong đó có các rạp chiếu phim, mở cửa trở lại từ ngày 15/2 nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, quyết định gây tranh cãi này đã vấp phải sự phản đối của các thị trưởng tại vùng đô thị Manila do lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Chính phủ nước này có kế hoạch mua 148 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho 70 triệu dân trong năm nay.   

Campuchia phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều 15/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo khẩn cấp về việc phát hiện 3 trường hợp nhập cảnh nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, gồm 2 công dân Ấn Độ và 1 công dân Trung Quốc.

Bộ trên cho rằng người dân Campuchia dường như không nhận thức được nguy cơ lây nhiễm rất cao của dịch COVID-19, đặc biệt là các biến thể mới. Người dân Campuchia vẫn tập trung đông người để tổ chức tiệc, đám cưới, lễ hội, về quê, đi nghỉ dưỡng không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ yêu cầu người dân không được đánh giá thấp nguy cơ lây lan nhanh chóng cũng như mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 ở nước này.

Đến nay, Campuchia đã ghi nhận 482 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 469 trường hợp đã hồi phục và chưa có ca tử vong.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ thị Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan thực thi nghiêm các biện pháp pháp lý theo nghị định y tế về phòng tránh và ứng phó với bệnh dịch tại khu vực cửa khẩu biên giới. 

Cho đến ngày 14/2/2021, có ít nhất 35.665 lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước, trong số này có 11.857 người đã được cách ly và 89 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Israel đánh giá vaccine Pfizer/BioNTech phòng bệnh hiệu quả tới 94%

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm y tế Clalit (CHS), cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất Israel, khẳng định vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pfizer/BioNTech hiệu quả tới 94% trong việc phòng COVID-19.

CHS đã tiến hành nghiên cứu và so sánh 600.000 người được tiêm hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech và 600.000 người khác không được tiêm phòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm virus đã giảm tới 94% và tỷ lệ trở nặng đã giảm 92% so với những người không được tiêm phòng. CHS nhấn mạnh vaccine hiệu quả với mọi độ tuổi, bao gồm cả những người trên 70 tuổi.

Theo CHS, kết quả sơ bộ trên nhằm nhấn mạnh tới những người chưa tiêm phòng rằng vaccine của Pfizer/BioNTech rất hiệu quả và có tác dụng ngăn ngừa bệnh trở nặng. CHS nêu rõ nghiên cứu đã tập trung vào những người tiêm mũi thứ hai ít nhất 7 ngày trước khi xét nghiệm. Quy mô xét nghiệm sẽ được mở rộng trong tương lai để tăng độ chính xác của đánh giá.

Cho đến nay, Israel đã tiêm phòng mũi đầu tiên được cho 3,8% triệu người, trong khi có 2,4 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Israel đang nới lỏng các biện pháp hạn chế và đặt mục tiêu tiêm phòng cho tất cả những người trên 16 tuổi vào cuối tháng 3 tới.

Châu Mỹ

Canada lo ngại nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh thuộc Canada, thổi bùng lên một số ổ dịch trong các cộng đồng ở vùng hẻo lánh và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát của đại dịch COVID-19 khi nhiều khu vực chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ít nhất 4 tỉnh nước này đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới liên quan đến tiếp xúc cộng đồng mà không phải du lịch. Tại Newfoundland, hoạt động bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử cấp tỉnh đã bị hủy bỏ, sau khi số ca nhiễm tăng đột biến - tất cả đều liên quan đến biến thể B.1.1.7 có nguồn gốc ở Anh. Sự xuất hiện ngày càng nhiều biến thể đã khiến người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, kêu gọi quốc gia Bắc Mỹ này cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh tăng nhanh và đang trở nên khó kiểm soát hơn.

Lo ngại về các biến thể, chính quyền Quebec đang cân nhắc hoãn dỡ bỏ các biện hạn chế đến sau kỳ nghỉ Xuân vào đầu tháng 3. Thủ hiến Quebec, François Legault nhận định: “Những biến thể mới này rất đáng lo ngại và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định của chúng tôi vào những tuần tới".

Chính quyền Quebec thông báo sẽ sàng lọc tất cả các xét nghiệm COVID-19 dương tính ở Montreal để tìm các biến thể, đồng thời sẽ tăng cường xét nghiệm nhanh, đặc biệt là ở các trường học. Trong khi lệnh giới nghiêm ở Quebec vẫn được áp dụng, hầu hết học sinh tiểu học của tỉnh đã quay trở lại trường học vào ngày 11/1 và học sinh trung học đã đến trường sau đó một tuần. Hoạt động kinh doanh và dịch vụ tại các “vùng đỏ” trong tỉnh, bao gồm thành phố Quebec, Montreal và Gatineau, vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt hơn so với các khu vực ít dân cư.

Trong khi đó, dự kiến, phần lớn tỉnh Ontario sẽ được nới lỏng các hạn chế vào ngày 16/2, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực không thiết yếu được mở cửa trở lại một phần, mặc dù lệnh “ở yên trong nhà” sẽ vẫn được áp dụng tại Toronto, khu vực Peel, khu vực York và North Bay Parry Sound đến ngày 22/2.

Theo thống kê trên trang web của chính phủ Canada, tính đến 6h ngày 16/2 (giờ Việt Nam), quốc gia này đã ghi nhận 826.522 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 21.309 người đã tử vong.

Bốn yếu tố quyết định diễn biến COVID-19 tại Mỹ thời gian tới

Mặc dù số ca mắc COVID-19 và nhập viện hàng ngày giảm trong thời gian gần đây, nhưng các chuyên gia dự báo Mỹ vẫn chưa thể khống chế đại dịch.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mô hình mới nhất của Viện Đánh giá và Thống kê Y tế thuộc Đại học Washington dự báo 130.000 người Mỹ sẽ tử vong vì COVID-19 trong ba tháng rưỡi tới.

Trong khi số ca mắc COVID-19 có thể đang có xu hướng giảm, nhưng có bốn yếu tố chủ chốt sẽ quyết định diễn biến dịch trong vài tháng tới thế nào.

Theo Viện Đánh giá và Thống kê Y tế (IHME), hai yếu tố đầu tiên có thể sẽ giúp số ca mắc COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm: tăng cường tiêm vaccine và Mỹ bước vào mùa xuân và hè. COVID-19 lây lan ít hơn trong mùa xuân và hè.

Nhóm nghiên cứu tại IHME nhận định: “Tuy nhiên, hai yếu tố này vừa có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược xu hướng giảm ca bệnh vừa mới mắt đầu”.

Một yếu tố nữa là biến chủng ở Anh B.1.1.7 lây lan. Các chuyên gia cảnh báo biến chủng Anh có thể trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến ở Mỹ vào mùa xuân. Dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 14/2 cho thấy đã phát hiện 1.173 ca mắc biến chủng Anh tại 39 bang.

Yếu tố thứ tư là các hành vi khiến COVID-19 dễ lây lan. Nhóm nghiên cứu nói: “Chúng ta đã kiềm chế dịch bệnh lây lan trong mùa đông nhờ đeo khẩu trang, giảm đi lại, tránh bối cảnh rủi ro cao. Khi số ca mắc hàng ngày giảm và số người tiêm vaccine tăng, các hành vi có thể thay đổi theo hướng khiến dịch bệnh lây lan hơn”.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng hiện không phải là lúc Mỹ giảm phòng chống dịch bệnh. 

Châu Âu

CH Séc ban bố tình trạng khẩn cấp mới

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Prague, CH Séc, ngày 7/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Séc vừa ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 2 tuần, kể từ ngày 15/2, để ứng phó với đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh.

Quyết định được đưa ra dựa trên kiến nghị của toàn bộ 14 chính quyền địa phương sau khi Hạ viện Séc không đồng ý gia hạn tình trạng khẩn cấp hiện nay, vốn hết hạn vào ngày 14/2. Theo các chính quyền địa phương, nếu chính phủ không tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp, các địa phương sẽ không có đủ thẩm quyền để thực thi các biện pháp hạn chế cần thiết nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Song song với việc ban bố tình trạng khẩn cấp mới, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết Bộ trưởng Y tế nước này trong ngày hôm nay cũng sẽ đệ trình chính phủ một dự thảo luật mới về đại dịch, trong đó cho phép chính phủ ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay mà không cần tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng Babis cam kết sẽ trao đổi với các đảng đối lập về dự luật trên.

Theo Bộ Y tế Séc, tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang xấu đi khi chỉ số rủi ro dịch bệnh trong 2 tuần qua đã tăng từ 73 lên 77. Nguyên nhân do tăng số ca lây nhiễm từ biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý, đã có 3 huyện ở nước này gồm Cheb, Sokolov và Trutnov bị phỏng tỏa do tỷ lệ lây nhiễm cao hơn gấp 3 lần so với các địa phương khác trên cả nước.

Đến nay, Séc đã ghi nhận 1.090.860 ca mắc COVID-19 khiến 18.250 người tử vong. Hiện nước này vẫn có hơn 103.000 người đang phải điều trị.

Hàng nghìn người vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh tại Serbia 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại Belgrade, Serbia ngày 25/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Nội vụ Serbia ngày 14/2 thông báo khoảng 1.000 người dự tiệc tại một câu lạc bộ đêm ở Belgrade đã bị bắt quả tang vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo kênh truyền hình RTS, 3 người nghi là nhà tổ chức bữa tiệc đã bị giam giữ 48 giờ, có khả năng bị nguy cơ bị phạt tiền và tù giam lên tới 3 năm. 

Theo quy định phòng chống dịch hiện hành tại Serbia, các nhà hàng, quán cà phê đều phải đóng cửa lúc 20h hằng ngày và cấm mọi hình thức tụ tập đông quá 5 người. 

Kể từ khi quy định trên được thực thi, cơ quan chức năng nước này đã kiểm tra khoảng 275.000 địa điểm nhà hàng, xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền lên tới 79 triệu dinar (750.000 USD). Kề từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Serbia ghi nhận trên 422.000 ca nhiễm, trong đó 4.245 ca tử vong do COVID-19. 

Italy tạm ngừng quyết định mở cửa khu nghỉ dưỡng trượt tuyết 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại sân bay Fiumicino, Rome, Italy, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Italy đã ban hành quyết định mới cho phép mở cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết vào ngày 5/3, thay cho quyết định trước đó ấn định ngày 15/2. Quyết định trên được công bố trong bối cảnh biến thể của SARS-CoV-2 chiếm trung bình 17,8% các ca nhiễm mới tại Italy. 

Chính phủ Italy cho biết thêm sẽ sớm triển khai các gói cứu trợ các nhà vận hành khu trượt tuyết để khắc phục phần nào hậu quả do phải ngừng hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh.

New Zealand xác định 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Anh 

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand, ngày 15/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế New Zealand ngày 15/2 thông báo đã xác định được 2 trong số 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 cuối tuần qua tại thành phố Auckland của nước này là nhiễm biến thể phát hiện ở Anh. Đây cũng là 2 ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh đầu tiên ở New Zealand. Điều đáng lo ngại 2 ca nhiễm mới này không liên quan đến bất cứ ca dương tính nào được xác định trước đó. 

Trước diễn biến trên, Bộ Y tế New Zealand đã quyết định triển nhanh chóng các biện pháp nhằm sớm phát hiện và xác định nguy cơ lây lan tại Auckland - thành phố lớn nhất nước. Cả 3 ca nhiễm nói trên đều là người trong 1 gia đình, người thứ 3 chưa có kết quả xét nghiệm với biến thể tại Anh. Sự xuất hiện các các nhiễm mới này đã buộc New Zealand ban bố lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong 3 ngày toàn thành phố Auckland, bắt đầu từ ngày 15/2. Theo đó, người dân được khuyến nghị ở yên trong nhà, trong khi trường học và các hoạt động kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa. 

Ngoài Auckland, các địa phương khác của New Zealand hiện đang ở mức báo động 2, theo đó người dân phải tuân thủ các quy định y tế phòng bệnh như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông cộng và chỉ được tham gia các sự kiện quy mô tối đa 100 người. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 15/2: Toàn khối có thêm 10.516 ca mắc; Campuchia phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới
COVID-19 tại ASEAN hết 15/2: Toàn khối có thêm 10.516 ca mắc; Campuchia phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 15/2, 6 quốc gia ASEAN ghi nhận 10.516 ca mắc COVID-19 và 198 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.270.438 ca, trong đó 49.197 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN