Chính sách tiêm phòng cho trẻ trên 12 tuổi đã được thông báo ngày 27/6 vừa qua và đây là một phần trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 quy mô lớn của Chính phủ Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen cho biết với việc xem xét nghiêm túc về môi trường xã hội và tương lai của lớp trẻ vì trường học đóng cửa quá dài, Campuchia cần phải tiêm phòng cho trẻ từ 12-17 tuổi và các điểm tiêm phòng cho trẻ trước tiên được lập tại Phnom Penh và Kandal, sau đó sẽ tới Sihanoukville và các tỉnh khác.
Trong nỗ lực đảm bảo sản xuất, kinh doanh bình thường, Chính phủ Campuchia đã yêu cầu các cơ sở y tế, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân, nhà máy, xí nghiệp, chợ, ngân hàng, trung tâm tuyển dụng phải xét nghiệm nhanh COVID-19 cho ít nhất 5-10% lao động ít nhất một lần trong 1-2 tuần.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng không có điểm dừng tại Campuchia với số ca mắc mới, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số ca tử vong vì đại dịch vẫn ở mức cao và tính đến nay, Campuchia đã phát hiện tổng cộng hơn 65.000 ca mắc COVID-19.
Trong thông cáo ngày 16/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 889 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 207 ca nhập cảnh. Bộ cũng công bố thêm 27 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Campuchia lên 1.052 ca.
Dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa Phnom Penh khi có thông tin thêm một khu chợ và một ngôi chùa có nhiều ca mắc COVID-19. Tại Siem Reap, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với 120 ca mắc mới được phát hiện ngày 15/7 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh.
Cùng ngày, Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết các cơ sở y tế ở nước này đang bị “sụp đổ chức năng” trước làn sóng lây lan dịch COVID-19 mới khi số lượng các nhân viên y tế ngày càng mỏng, các trang thiết bị vật tư như oxy đang cạn kiệt, khiến triệu chứng của các bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trưởng bộ phận giảm nhẹ thuộc IDI, ông Adib Khumaidi nêu rõ: "Tình trạng hiện nay là đáng lo ngại. Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng sụp đổ chức năng chứ không phải sụp đổ cấu trúc. Các bệnh viện có thể dựng thêm lều tạm, kê thêm giường bệnh song đang sụp đổ về mặt chức năng".
Ông Adib cũng kêu gọi chính phủ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các nhân viên y tế và các cơ sở y tế, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng về phân loại các bệnh nhân COVID-19 cần được nhập viện điều trị hay có thể tự cách ly tại nhà.
Trước đó, Cục trưởng Phòng chống và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế, bà Siti Nadia Tarmizi đã bác bỏ thông tin rằng các bệnh viện được chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một số khu vực của Indonesia đã bị sụp đổ trước sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh.
Mới đây, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan cũng khẳng định rằng tình hình đại dịch ở Indonesia vẫn đang “trong tầm kiểm soát”, bất chấp thông tin có hàng trăm bệnh nhân tử vong tại nhà do không tìm được chỗ nhập viện hoặc oxy để điều trị.