Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong danh sách công bố ngày 7/8 nói trên, ngoài Tổng thống Biya, ứng cử viên đại diện cho Phong trào Tập hợp dân chủ nhân dân Cameroon Dân chủ (CPDM), các đối thủ chính là ông Joshua Osih của Mặt trận Dân chủ xã hội (SDF, đảng đối lập chính); ông Garga Haman Adji của Liên minh Dân chủ và phát triển (ADD); luật sư khu vực nói tiếng Anh Akere Muna đại diện Mặt trận Nhân dân vì sự phát triển (FPD); ông Maurice Kamto của Phong trào Vì sự hồi sinh của Cameroon (MRC); ông Cabral Libii của đảng Universe; ứng cử viên Adamou Dam Njoya của Liên minh Dân chủ Cameroon (UDC); ông Serge Matomba của đảng Dân tộc Thống nhất vì sự đổi mới xã hội (PURS); và cuối cùng là ông Frankline Ndifor Afanwi, thuộc Phong trào Công dân quốc gia Cameroon (MCNC).
Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 7/10 tới, trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội dự kiến vào tháng 10 đã bị hoãn đến tháng 10/2019 theo dự luật vừa được thông qua ngày 2/7. Tổng thống Biya cho rằng việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương sẽ gây khó khăn do các hoạt động bầu cử chồng chéo.
Cameroon là quốc gia chủ yếu nói tiếng Pháp. Trong thời gian qua, quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Vùng Tây Nam và Vùng Tây Bắc thúc đẩy những nỗ lực đòi độc lập.
Xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm ủng hộ ly khai đã khiến hàng chục người tại hai tỉnh này thiệt mạng trong khi hàng nghìn người khác đã phải bỏ đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Nigeria.
Tình hình diễn biến xấu hơn vào cuối tháng 1 vừa qua khi 47 người ủng hộ ly khai bị bắt giữ tại Nigeria và sau đó được đưa về Cameroon, dẫn tới làn sóng bạo lực mới. Chính phủ của Tổng thống Biya đã triển khai nhiều biện pháp trấn áp, trong đó có các lệnh giới nghiêm, các chiến dịch bố ráp và lệnh hạn chế đi lại.