Cái khó của bà Merkel trong khủng hoảng Ukraine

Dưới thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Đức A. Merkel từng sống và làm việc ở Đông Đức, một người là tình báo Liên Xô hoạt động ở nước ngoài, một người là nhà khoa học. Vật đổi sao rời, tới hôm nay, khi đã luống tuổi, một người trở thành lãnh đạo nữ quyền lực nhất toàn cầu, một người đứng đầu danh sách quyền lực nhất thế giới, nhưng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, hai người lại trở thành "đối thủ" của nhau.


Là cường quốc hàng đầu châu Âu, nhưng theo tờ “Đông phương Nhật báo” của Hong Kong hôm 13/3, Đức rất thận trọng trong các công việc quốc tế, đặc biệt là can dự vào chuyện của nước khác. Trong 3 năm qua, dù là khủng hoảng Lybia hay binh biến ở Mali, Đức không thể nào so sánh được với Pháp, một cường quốc châu Âu khác, về độ hăng hái. Tuy nhiên, khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, một sự thay đổi lớn đã xuất hiện ở Đức.


Bà Merkel và ông Putin trong một sự kiện ở Peterburg. Ảnh: AFP


Ngay từ lúc Ukraine thảo luận kí kết hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu (EU), các nước EU, nhất là Đức đã yêu cầu ông Viktor Yanukovych (Tổng thống Ukraine đã bị Quốc hội nước này phế truất, đang lưu vong ở Nga) phải đáp ứng nhiều điều kiện, bao gồm việc phóng thích cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko. Vào cuối tháng 11/2013, khi ông Yanukovych tuyên bố ngừng đàm phán kí kết hiệp ước liên kết với EU, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra tại Ukraine, Đức luôn theo dõi sát sao tình hình Ukraine để đưa ra đối sách. Ngay trước thềm chuyến đào thoát ra nước ngoài của ông Yanukovych, bà Merkel còn gặp hai lãnh tụ phe đối lập ở Ukraine tại Berlin.


Tuy nhiên, cùng với sự leo thang tình hình của cuộc khủng hoảng Ukraine, thái độ của bà Merkel đã có sự biến chuyển. Sau khi Thượng viện Nga giao toàn quyền điều động quân sang Ukraine cho Tổng thống Putin, Quốc hội Crimea (Crưm) thông qua nghị quyết tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga, Moscow bị chỉ trích là đã “sử dụng nòng súng để ép Crimea tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga”. Nhưng về phần mình, bà Merkel đã nhấn mạnh là phải đối thoại giải quyết vấn đề chứ không phải là đối đầu.


Rõ ràng, bà Merkel rất lo ngại tình hình rối loạn ở Ukraine sẽ xấu đi. Trong cuộc đấu giữa phương Tây và Nga ở Ukraine, Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ nhất, Đức lệ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng từ Nga. Hiện nay, 30%-40% lượng dầu và khí đốt thiên nhiên của Đức là nhập khẩu từ Nga. Thứ hai, Đức cũng là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Nga. Hợp tác kinh tế thương mại song phương với Nga tạo ra 300.000 việc làm ở Đức. Do đó, bà Merkel khó tránh được áp lực của giới doanh thương nếu tiến hành cấm vận Nga. Về phía Nga, nếu ngừng cung cấp dầu khí và các hạng mục hợp tác khác với Đức, nước này cũng bị tổn hại, nhưng với mức độ thấp hơn Đức rất nhiều.


Trong mấy ngày qua, bà Merkel nhiều lần điện đàm với ông Putin. Một người thông hiểu tiếng Nga, một người làu làu tiếng Đức, chắc chắn sẽ không có chuyện “ông nói gà bà hiểu là vịt”. Theo trang tin NHK, trong cuộc điện đàm giữa hai người mới đây, bà Merkel đã nói với ông Putin rằng cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào ngày 16/3 tới về việc sáp nhập Crimea vào Nga là vi phạm hiến pháp của Ukraine và luật pháp quốc tế. Nhưng văn phòng Tổng thống Nga cho biết, ông Putin đã nhấn mạnh rằng cuộc bỏ phiếu này dựa trên luật pháp quốc tế và nhằm để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của cư dân Crimea. Trong cuộc điện đàm, bà Merkel còn cảnh báo về khả năng EU tiến hành cấm vận Nga.


Trên thực tế, vào hôm nay (13/3), quan chức 10 nước (gồm Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada) dự kiến gặp nhau tại thủ đô London của Anh để lập kế hoạch trừng phạt Nga vì cái gọi là “can thiệp vào Ukraine”. Sau đó, ngày 17/3, Ngoại trưởng các nước EU sẽ họp tại Brussels (Bỉ). Nhưng không giống như Mỹ, EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và đôi bên đang có các mối liên kết kinh tế rất sâu sắc.


Có tới gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Nga (trị giá khoảng 292 tỷ USD) là vào các nước EU. Nga cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, với giá trị nhập khẩu lên tới gần 170 tỷ USD. Cho nên, nếu chỉ xét riêng ở góc độ thương mại, EU sẽ phải thận trọng hơn Mỹ trong xem xét các biện pháp cấm vận với Nga. Đương nhiên, Đức càng phải thận trọng hơn.



Huyền Linh


Thủ tướng Đức: Không thể so sánh Crimea với Kosovo
Thủ tướng Đức: Không thể so sánh Crimea với Kosovo

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo rằng Nga có nguy cơ phải hứng chịu những thiệt hại "nghiêm trọng" về cả chính trị và kinh tế nếu Moskva không thay đổi cách hành xử trong vấn đề Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN