Otto Warmbier qua đời vào ngày 19/6 trong tình trạng hôn mê.
|
Cái chết của chàng sinh viên Mỹ 22 tuổi xảy ra hai ngày trước khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ - Trung tổ chức tại Washington – nơi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ gặp những người đồng cấp Trung Quốc.
Vấn đề Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc trò chuyện giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson cùng Bộ trưởng Mattis với những người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc gặp ngày mai.
Kênh truyền hình CNN dẫn lời Bruce Klingner – một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm châu Á của Quỹ Di sản đưa tin việc Otto qua đời có thể buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải cứng rắn hơn với Triều Tiên, một bước chuyển sẽ làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Ông giải thích: “Giống như cựu Tổng thống Obama, ông Trump nói rất cứng, nhưng tiếp tục nương tay với Triều Tiên và Trung Quốc”.
Cụ thể, ông Klingner chỉ ra rằng chính quyền Tổng thống Trump thất bại trong việc áp đặt “lệnh trừng phạt thứ cấp” lên các công ty Trung Quốc có liên hệ làm ăn với Triều Tiên, đặc biệt là những công ty có liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Chuyên gia Klingner cho rằng trong cuộc gặp lần này, Mỹ cần phải bày tỏ thông điệp rõ ràng “việc nước này nhất trí tạm dừng các lệnh trừng phạt thứ cấp lên các công ty Trung Quốc nên đi đến hồi kết”.
Ngày 19/6, gia đình Warmbier thông báo
con trai họ đã qua đời. Anh được đưa trở về Mỹ vào ngày 13/6 sau 17 tháng bị giam giữ ở Triều Tiên.
Thông tin trên nhanh chóng đã dấy lên bức xúc từ phía Quốc hội Mỹ kêu gọi mạnh tay hơn với Triều Tiên.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain bày tỏ: “Nước Mỹ không thể và không nên tha thứ hành động giết hại công dân Mỹ của các nước thù địch. Triều Tiên đang đe dọa các nước láng giềng, làm khu vực châu Á – Thái Bình Dương bất ổn và phát triển nhanh công nghệ tấn công vào đất Mỹ với vũ khí hạt nhân”.
Leon Panetta – giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2011 đến 2013 – nhấn mạnh trước cái chết của sinh viên Otto, chính quyền Donald Trump đưa ra nhiều lựa chọn, bao gồm yêu cầu lời giải thích từ phía Trung Quốc, phản đối ngoại giao và gia tăng trừng phạt.
Trả lời kênh truyền hình CNN, Panetta cho rằng “điều này là không thể chấp nhận và chính phủ Trung Quốc cần phải tìm xem chuyện gì đã xảy ra”.
Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump bày tỏ lời chia buồn với gia đình nạn nhân, cũng như gọi Triều Tiên là một “đế chế tàn độc”.
Trong một tuyên bố viết tay, Tổng thống Trump lên án sự tàn bạo của Triều Tiên: “Số phận của Otto càng thôi thúc quyết tâm của chính phủ tôi nhằm ngăn chặn các thảm kịch tương tự, đưa những con người vô tội vào tay các thể chế không tôn trọng luật pháp hay quyền cơ bản của con người. Tiếc thương dành cho nạn nhân mới nhất này, Mỹ một lần nữa lên án sự tàn bạo của Triều Tiên”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Nikki Haley cũng đưa ra một tuyên bố cho rằng cái chết của Otto là lời nhắc nhở nước Mỹ về Triều Tiên.
Dường như tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên ngày một lớn hơn. Trong một cuộc họp không chính thức với quan chức Mỹ gần đây, Bình Nhưỡng thẳng thừng tuyên bố khỏi cần tranh luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Mỹ cũng như Hàn Quốc không thể đề nghị bất cứ điều gì để có thể ngăn cản Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân.
Sinh viên Otto trong năm 2016 đã bị Triều Tiên bắt giữ vì lấy trộm một tấm biểu ngữ tuyên truyền khi đến thăm đất nước này và bị kết án 15 năm lao động khổ sai.
Tuy nhiên chỉ sau 17 tháng giam giữ, anh đã được đưa trở về nước trong tình trạng hôn mê sâu. Theo lời giải thích về bệnh tình của Otto từ phía Triều Tiên, tình trạng hôn mê của sinh viên này là do bị ngộ độc thịt và uống thuốc ngủ. Song theo các báo cáo tình báo, Otto đã bị đánh đập liên tục.