Các ứng cử viên bước vào cuộc đua cho vị trí Tổng Giám đốc WTO

Trong bối cảnh các ứng cử viên cho chức vụ Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang dần bước vào cuộc đua để trở thành người dẫn dắt tổ chức quốc tế này, nhiều ý kiến cho rằng WTO đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí là mang tính sống còn.

Chú thích ảnh
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các ứng cử viên đã bắt đầu lần lượt thuyết trình trước đại diện của 164 quốc gia thành viên WTO tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva, và quá trình này sẽ kéo dài trong ba ngày.

Cựu Phó Tổng Giám đốc WTO Jesus Seade Kuri, ứng cử viên duy nhất của châu Mỹ, cho rằng một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra tại WTO, các phái đoàn đang mất niềm tin lẫn nhau và điều này khiến cho việc đàm phán để giải quyết các vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Ông Hamid Mamdouh, ứng cử viên đến từ Ai Cập, thậm chí còn “nặng lời” hơn khi cho rằng WTO đang trải qua một “cuộc khủng hoảng mang tính sống còn” và đã mất đi lý tưởng chung về mục đích hoạt động của tổ chức.

Một trong những vấn đề mà WTO đang vấp phải là việc Mỹ, với mong muốn loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các trọng tài mới cho hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và đe dọa sẽ rời khỏi tổ chức này.

Trước tình hình đó, ứng cử viên người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc người kế nhiệm không nên rút khỏi tổ chức này và cho rằng có thể cải tổ WTO.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, khi được hỏi về thông điệp đối với Tổng thống Mỹ hiện tại hoặc Tổng thống mới trong tương lai, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh "chắc chắn bây giờ không phải là lúc để rút khỏi WTO. Chúng ta cần một tổ chức có thể thúc đẩy một hệ thống dựa trên các quy tắc. Hãy cố gắng khắc phục những gì cần sửa chữa".

Tám ứng cử viên đang chạy đua cho vị trí với nhiệm vụ nối lại các cuộc đàm phán thương mại quốc tế đang bế tắc và giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, có ba ứng cử viên từ châu Phi, hai ứng cử viên từ châu Âu, hai ứng cử viên từ châu Á và một ứng cử viên từ châu Mỹ. Kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995, đã có ba đời tổng giám đốc đến từ châu Âu, trong khi châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ đều đã từng có một người giữ chức vụ dẫn dắt WTO. Tổng Giám đốc tiếp theo của WTO còn lên nắm quyền ngay giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19.

Sau hai tháng thuyết phục các phái đoàn WTO, một quá trình sàng lọc ứng viên sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới và sẽ kéo dài lên đến hai tháng.

Khánh Ly (TTXVN)
Khả năng Trung Quốc bầu người châu Phi làm Tổng giám đốc WTO
Khả năng Trung Quốc bầu người châu Phi làm Tổng giám đốc WTO

Bắc Kinh có thể bầu một ứng viên châu Phi cho vị trí Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang khiến cơ quan này trì trệ hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN