Các tỷ phú bước vào chính trường đông đến bất ngờ

Theo một nghiên cứu nhấn mạnh quyền lực và ảnh hưởng ngày càng tăng của giới siêu giàu, hơn 11% trong số hơn 2.000 tỷ phú trên thế giới đã tranh cử hoặc trở thành chính trị gia.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch tập đoàn Foxconn Terry Gou (bên phải) trong chuyến thăm một cơ sở sản xuất của Foxconn tại khu công nghiệp - công nghệ Wisconsin năm 2018. Ảnh: AFP

Nghiên cứu của nhóm giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã chỉ ra rằng trong khi các tỷ phú đạt được mức độ thành công khác nhau trong kết quả bỏ phiếu ở Mỹ, thì các tỷ phú trên khắp thế giới lại có thành tích rõ rệt hơn trong các cuộc bầu cử.

Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng: “Các chính trị gia tỷ phú là một hiện tượng phổ biến đến mức đáng kinh ngạc”. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng tình trạng này sẽ dẫn đến việc những người siêu giàu nắm trong tay tầm ảnh hưởng chính trị siêu lớn. 

Với việc ông Donald Trump đang tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ ba liên tiếp, cùng với các ứng cử viên Đảng Cộng hòa cực kỳ giàu có là Vivek Ramaswamy và Doug Burgum, các tỷ phú và triệu phú một lần nữa lại đóng vai trò lớn trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, hai tỷ phú Michael Bloomberg và Tom Steyer đã không giành được đề cử của Đảng Dân chủ dù đã chi hơn 100 triệu USD tài sản của chính họ để vận động tranh cử. Tỷ phú Rick Caruso thất bại trong cuộc đua giành chức Thị trưởng Los Angeles vào năm ngoái sau khi chi 104 triệu USD cho chiến dịch tranh cử. Tỷ phú J.B. Pritzker may mắn trở thành Thống đốc bang Illinois sau khi chi hơn 350 triệu USD tranh cử và giành chiến thắng trong hai cuộc đua.

Chú thích ảnh
Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker. Ảnh: Reuters

Bên ngoài nước Mỹ, tỷ phú kiêm chính trị gia thậm chí còn phổ biến hơn. Tỷ phú Terry Gou - người sáng lập Foxconn - đang tranh cử chức lãnh đạo Đài Loan. Các nhà lãnh đạo tỷ phú khác phải kể đến Andrej Babis ở Cộng hòa Séc, Silvio Berlusconi ở Italy, Bidzina Ivanishvili ở Georgia, Najib Mikati ở Liban, Sebastián Piñera ở Chile và Thaksin Shinawatra ở Thái Lan.

Tất nhiên, giới tỷ phú thậm chí còn nắm giữ nhiều quyền lực chính trị hơn thông qua các khoản quyên góp (thường là bí mật) để hỗ trợ các ứng cử viên, các đảng phái và các nhà tài trợ lớn. Những nhân vật giàu có đã quyên góp số tiền kỷ lục 881 triệu USD cho các đảng chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ liên bang năm 2022. Trong đó, 14/20 nhà tài trợ hàng đầu quyên góp cho Đảng Cộng hòa.

Các nhà tài trợ giàu có đã bắt đầu đổ tiền vào cuộc đua năm 2024, điển hành là ông trùm sòng bạc Phil Ruffin, ông trùm công nghệ Larry Ellison, nhà đầu tư Nelson Peltz, ông trùm bao bì Richard Uihlein, nhà quản lý tiền Jeffrey Yass, nhà đầu tư Stanley Druckenmiller cùng một số nhà đầu tư mạo hiểm Cliff Asness, David. Tepper và Bruce Kovner.

Nghiên cứu mới về các tỷ phú đang hoạt động chính trị được thực hiện bởi ba nhà nghiên cứu Daniel Krcmaric, Stephen C. Nelson và Andrew Roberts tại Đại học Northwestern. Họ đã phân tích 2.072 tỷ phú có mặt trong danh sách của Forbes và đã tham gia chính trường với tư cách là tỷ phú. Họ loại trừ những người kiếm được tài sản chủ yếu từ chức vụ chính trị hoặc những người trở thành tỷ phú sau khi rời bỏ chính trường. Ví dụ, Tổng thống Nga Vladamir Putin không được đưa vào nghiên cứu vì ông không có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Cùng với những người được bầu vào chức vụ, nghiên cứu còn bao gồm các tỷ phú từng giữ các vị trí cấp nội các, các vai trò chủ chốt trong chính phủ và các đại sứ. Nó phát hiện ra rằng phần lớn tỷ phú nắm giữ một số vai trò chính trị trong suốt sự nghiệp của họ.

Theo nghiên cứu, 242 tỷ phú từng nắm giữ một số loại chức vụ chính trị đã giữ trung bình 2,5 chức vụ chính trị trong suốt cuộc đời. Ví dụ, tỷ phú người Pháp Serge Dassault đã nắm giữ hoặc tranh cử 16 chức vụ khác nhau trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.

Nghiên cứu cho thấy: “Theo nhiều cách khác nhau, các tỷ phú có xu hướng đóng vai trò lâu dài và quan trọng trong hệ thống chính trị ở đất nước họ”.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ tham gia chính trị của các tỷ phú Mỹ là 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là hơn 11%. Theo nghiên cứu, Trung Quốc có tỷ lệ chính trị gia-tỷ phú cao nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc hiện có 116 thành viên là tỷ phú, chiếm tỷ lệ 36%. Tiếp theo là Nga với 21%. Theo nghiên cứu, Nhật Bản và Australia dường như không có tỷ phú nào trực tiếp tham gia chính trường. 

Trong khi các ứng cử viên tỷ phú ở Mỹ thường thất bại thì những nhân vật lại có tỷ lệ thành công cao trên toàn cầu. 

Theo nghiên cứu, trong số 198 cuộc bầu cử trực tiếp có ít nhất một tỷ phú tham gia, các ứng cử viên siêu giàu này thường chiếm ưu thế đến 80% trong các cuộc bầu cử đó.
Khi xem xét về yếu tố đảng phái và hệ tư tưởng, nghiên cứu cho thấy các tỷ phú thường có xu hướng

bảo thủ hơn. Các tỷ phú Mỹ có xu hướng liên kết với Đảng Cộng hòa cao gấp 2,5 lần so với Đảng Dân chủ. Ở châu Âu, các chính trị gia tỷ phú thậm chí còn nghiêng về cánh hữu nhiều hơn.

Nghiên cứu cho biết những người giàu và có nhìn chung có nhiều khả năng ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ tài chính và phản đối các chương trình chi tiêu xã hội, coi trọng hiệu quả hơn là bình đẳng.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Các chuyên gia bình luận về khả năng Mỹ, Nga nối lại đối thoại chiến lược
Các chuyên gia bình luận về khả năng Mỹ, Nga nối lại đối thoại chiến lược

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 25/10 cho biết Nga đã nhận được lời đề nghị của Mỹ về việc nối lại đối thoại các vấn đề ổn định chiến lược. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN