Châu Âu đang nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) với khối lượng cao kỉ lục, khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực tìm cách giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga trong thời gian sớm nhất có thể. Khác với nhiều năm trước, châu Âu hiện là điểm đến hấp dẫn nhất của dòng LNG toàn cầu, vượt qua cả châu Á về hợp đồng cung ứng giao ngay khi giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh sau khi EU đưa ra quyết định không thể khác được về giảm phụ thuộc tiêu thụ khí đốt từ Nga.
Nhu cầu tăng nhanh, các trạm đầu mối LNG tại châu Âu đã vận hành ở mức công suất gần như tối đa, làm hạn chế số lượng các chuyến tàu chở LNG tới khu vực từ nay đến thời điểm các trạm nhập khẩu và tái hóa khí được xây dựng mới ở châu Âu. Chính điều này đã khiến các nhà cung ứng LNG quan tâm đến thị trường châu Âu, mời chào các chuyến hàng với mức giá giảm tới 20% so với giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan, với mục đích có được các lốt ở trạm nhập khẩu khí hóa lỏng.
Lượng LNG nhập khẩu cao kỉ lục giúp hạ nhiệt giá khí đốt trên thị trường sau khi Nga quyết định đóng van khí đốt cấp cho Ba Lan và Bulgaria. Sau khi tăng vọt 24% trong sáng ngày 27/4, thời điểm Warsaw và Sophia công bố thông tin Nga dừng cung cấp khí đốt, giá mặt hàng nhiên liệu này nhanh chóng hạ nhiệt chỉ sau một ngày. Đà tăng bị hãm lại chủ yếu là nhờ lượng LNG nhập khẩu tăng cao, cùng với đó là tuyên bố của EU về san sẻ, trợ giúp các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi quyết định của Moskva.
Các nhà xuất khẩu LNG hiện tập trung vào châu Âu, coi đây là thị trường then chốt. Số này sẵn sàng mời chào mức chiết khấu cao để giành được thêm nhiều khách hàng trong tương lai khi EU tìm cách từ bỏ khi đốt Nga sớm nhất có thể mà không khiến các nền kinh tế trong khối rơi vào suy thoái.
Trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, châu Âu đã rơi vào khủng hoảng năng lượng hồi mùa thu năm 2021. Đó là thời điểm dự trữ khí đốt của EU rơi xuống mức thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng vọt do tác động của phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Cuộc chiến ở Ukraine khiến EU phải tính toán lại chiến lược năng lượng. EU đã lập dự thảo kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay và ngừng sử dụng khí đốt Nga sớm nhất là vào năm 2027.
Châu Âu vẫn sẽ là điểm đến yêu thích của giới xuất khẩu LNG trong năm nay và năm 2023, do nhu cầu tiêu thụ của châu lục tăng vọt, trong khi Trung Quốc – nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt với thách thức từ các đợt phong tỏa do bùng phát COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ tăng trưởng suy yếu, kéo theo cầu khí đốt suy giảm. EU sẽ nỗ lực nâng dự trữ khí đốt trước mùa đông tới để sẵn sàng đối phó với kịch bản Nga ngắt khí đốt như đã làm với Ba Lan và Bulgaria.
Châu Âu cũng sẽ tìm cách tăng nhập khẩu LNG trong những năm tiếp theo để thế chỗ nhiều nhất có thể cho khí đốt từ Nga – nước hiện đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU. Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU và cũng là nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt nhập khẩu của Nga, lên kế hoạch xây dựng hai trạm nhập khẩu LNG đặt tại Brunsbuettel và Wilhelmshaven. Berlin từ chỗ chỉ nhập khẩu nhỏ giọt LNG giờ chuyển sang ký kết hợp đồng dài hạn với Qatar, một nhà cung ứng LNG lớn nhất thế giới.
Điều chỉnh chính sách năng lượng của EU khiến giá khí đốt và LNG đứng ở mức cao trong thời gian tới. “Giá khí đốt sẽ còn cao cho tới năm 2026. Châu Âu muốn nhanh chóng giảm cắt giảm 150 tỉ m3 khí đốt nhập khẩu của Nga để bảo đảm mục tiêu giảm 2/3 lượng nhập khẩu như đã đề ra. Trong vòng 4 năm tới, sẽ chưa thể có nguồn cung thay thế gần châu Âu và phải chờ đến thời điểm dòng LNG từ Mỹ và Qatar sớm tiếp cận các trạm nhập khẩu mới tại khu vực”, Simon Flowers – Chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích tại Wood Mackenzie, bình luận.
Theo ông Flowers, châu Âu sẽ tìm cách tối đa hóa nhập khẩu khí đốt qua đường ống chạy từ Na Uy, Azerbaijan và khu vực Bắc Phi, kết hợp với cạnh tranh với châu Á để tiếp cận nguồn cung LNG linh hoạt. Trong quãng thời gian chuyển tiếp 4 năm đó, Nga có điều kiện để gây sức ép, thao túng nguồn cung. Nhưng sau năm 2026, giá khí đốt sẽ hạ nhiệt.