Trong số các ca mắc mới có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó thủ đô Viêng Chăn ghi nhận 4 ca sau nhiều ngày không có ca mắc, tỉnh Luang Namtha 1 ca và tỉnh Khammuan 1 ca. Trước tình hình các ca nhiễm là người nhập cảnh ngày càng gia tăng, Lào đã đưa 3.000 nhân viên y tế từ các bệnh viện ở Viêng Chăn về các tỉnh để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, thủ tướng Lào cũng chỉ thị các tỉnh miền Nam mở thêm các trung tâm cách ly và bệnh viện dã chiến để chuẩn bị cho lượng lớn lao động dự kiến sẽ về nước từ các nước láng giềng.
Cùng ngày, Lào bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson& Johnson. Theo Bộ Y tế Lào, vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm cho những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu.
Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 6.765 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 người không qua khỏi.
Cũng trong ngày 2/8, Campuchia ghi nhận thêm 560 ca mắc COVID-19, trong đó có 169 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 78.474 ca.
Theo Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 22 trường hợp tử vong. Như vậy, tổng số người không qua khỏi kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này là 763 người. Trong khi đó, đã có 71.517 người được công bố khỏi bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine kêu gọi người dân phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cùng các biến thể nguy hiểm của virus này. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Campuchia Li Ailan cũng cho biết hiện cả biến thể Alpha và biến thể Delta, có đặc tính dễ lây lan, đều đã được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á này, do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Campuchia bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân từ ngày 10/2 vừa qua, với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (chiếm 75% dân số nước này) trước tháng 11 tới. Tính đến nay, đã có khoảng 7,38 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, cũng trong ngày 2/8, Malaysia bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 tại Thung lũng Klang - khu vực có số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày cao nhất cả nước. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của Chính phủ Malaysia nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số của nước này trước cuối năm 2021.
Theo Chương trình tiêm chủng đại trà, những người Malaysia từ 40 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bất kỳ Trung tâm tiêm chủng (PPV) nào. Chương trình sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 2-4/8. Tiếp đó, từ ngày 5-22/8, chương trình tiêm chủng sẽ được mở rộng cho tất cả những người Malaysia trên 18 tuổi tại Thung lũng Klang.
Người nước ngoài cũng được phân làm hai nhóm đối tượng như trên và có thể tiêm từ ngày 9-11/8 và ngày 12-22/8. Đáng chú ý, chương trình tiêm chủng đại trà lần này còn mở rộng cho những đối tượng như người nước ngoài không có giấy tờ tùy thân và người nhập cư bất hợp pháp.
Tiến sĩ Malina Osman, nhà dịch tễ học của Đại học Putra Malaysia, khuyến nghị những người đi tiêm nên tìm hiểu trước xem các trung tâm tiêm chủng có quá đông hay không để đảm bảo giãn cách xã hội. Theo bà, các trung tâm cần cập nhật tình hình thực tế trên tất cả nền tảng mạng xã hội để dân chúng biết. Tất cả cá nhân đã nhận được lịch hẹn tiêm chủng trên phần mềm truy vết cài đặt trên điện thoại di động (MySejahtera) không thuộc đối tượng được tiêm trong chương trình tiêm chủng đại trà.
Bộ trưởng điều phối Chương trình Tiêm chủng COVID-19 quốc gia Khairy Jamaluddin cho biết Chương trình tiêm chủng đại trà sẽ sớm được mở rộng sang các bang khác, với ưu tiên dành cho những người cao tuổi.