Singapore thắt chặt kiểm soát với người đến từ Australia, Giang Tô (Trung Quốc)

Bộ Y tế (MOH) Singapore ngày 1/8 thông báo nước này sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đến từ Australia hoặc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc sau khi số ca mắc COVID-19 gia tăng tại những nơi này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, kể từ 0 giờ ngày 3/8, tất cả những người có lịch sử đi lại đến Australia trong 21 ngày qua sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày tại cơ sở tập trung hoặc tại nơi ở, nhiều hơn 7 ngày so với quy định trước. Những người chọn cách ly tại nơi cư trú phải ở một mình, hoặc với các thành viên trong gia đình có cùng thời hạn cách ly và lịch sử đi lại.

Những người này trước khi đến Singapore phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, những người này còn phải thực hiện xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly cũng như làm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ ba, thứ bảy và thứ 11 trong thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, công dân Singapore, thường trú nhân hoặc có thẻ cư trú dài hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô của Trung Quốc trong vòng 21 ngày qua sẽ phải cách ly 7 ngày tại nơi cư trú và phải làm xét nghiệm PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly. Còn những du khách cư trú ngắn hạn có lịch sử đến tỉnh Giang Tô trong vòng 21 ngày sẽ không được phép nhập cảnh vào Singapore.

Du khách đến từ các khu vực khác của Trung Quốc vẫn được phép nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải cách ly nếu kết quả xét nghiệm PCR của họ là âm tính.

MOH cảnh báo những thường trú nhân (PR) và người có thẻ dài hạn nếu không tuân thủ các quy định có thể bị cắt thẻ. Bộ này cũng cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp kiểm soát biên giới để quản lý rủi ro đối với các trường hợp nhập cảnh.

* Tại Malaysia, ngày họp cuối cùng trong phiên họp đặc biệt tại Hạ viện Malaysia dự kiến diễn ra ngày 2/8 đã bị hoãn theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Phiên họp Thượng viện dự kiến được triệu tập từ ngày 3-5/8 cũng bị hoãn đến khi có thông báo mới. Quan chức cấp cao của Bộ Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho rằng nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu các phiên họp này diễn ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trước báo giới, Phó thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết đến ngày 28/7, đã có 56 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đến chiều 29/7, thêm 11 ca được phát hiện tại Quốc hội. Theo ông Yaakob, nếu số ca nhiễm vượt quá 40 ca tại bất kỳ khu vực nào, quy định kiểm soát đi lại sẽ được tăng cường (EMCO) cùng với các biện pháp hạn chế khác.

Theo kế hoạch, phiên họp đặc biệt Hạ viện Malaysia diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 26- 29/7 và ngày 2/8. Tuy nhiên, chiều 29/7, sự kiện này đã bị hoãn lại sau khi các nhân viên y tế đề nghị xét nghiệm virus đối với tất cả những người đang có mặt tại nghị trường do nhận thấy nhiều nguy cơ bùng phát dịch.

Tháng 6 vừa qua, Quốc vương Abdullah Riayatuddin Mustafa Billah Shah đã đề nghị triệu tập họp Quốc hội càng sớm càng tốt để các nghị sĩ thảo luận về Kế hoạch phục hồi quốc gia và các sắc lệnh khẩn cấp. Theo đề nghị của Quốc vương, Chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin đã quyết định triệu tập phiên họp đặc biệt nói trên.

*Trong khi đó, tại Indonesia, biến thể Delta đan chiếm hầu hết các ca lây nhiễm. Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi, kết quả nghiên cứu mẫu bệnh phẩm mới đây cho thấy biến thể Delta đã lây lan tại hầu khắp quốc gia Đông Nam Á này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời bà Siti phát biểu với hãng thông tấn Antara cho biết: “Biến thể Delta chiếm tới 86% mẫu bệnh phẩm được xem xét trong 60 ngày qua tại 24 tỉnh thành. Do vậy, có thể nói rằng nó đã lây lan gần như khắp Indonesia”. Bà Siti cho hay mạng lưới các phòng xét nghiệm giải trình tự gene thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế hiện đang tiếp tục nghiên cứu sự phân bố của các biến thể COVID-19 tại Indonesia.

Từ đầu năm 2021 đến ngày 28/7, Indonesia đã gửi 3.651 kết quả giải trình tự gene cho cơ sở dữ liệu toàn cầu. Nghiên cứu cho rằng Indonesia cần cảnh giác về 3 trong số 4 biến thể đáng quan ngại theo danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gồm Alpha, Beta và Delta. Bà Siti lưu ý rằng kết quả nghiên cứu trên đáng được quan tâm do nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở Indonesia vẫn còn rất cao. Nhằm ngăn chặn sự lây lan, Chính phủ đang tăng cường công tác xét nghiệm và truy vết, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư. Mục tiêu đặt ra là tiễn hành 300.000-500.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Theo đó, vaccine có thể giúp giảm nguy cơ mắc, biến chứng nặng, thậm chí tử vong ở các bệnh nhân COVID-19.

Nguyễn Thúy - Hằng Linh - Hữu Chiến (TTXVN)
Các hãng Pfizer và Moderna kiếm siêu lợi nhuận từ vaccine khi biến thể Delta lan rộng
Các hãng Pfizer và Moderna kiếm siêu lợi nhuận từ vaccine khi biến thể Delta lan rộng

Được ca ngợi là "vũ khí" hiệu quả đã ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca tử vong và giúp cuộc sống dần trở lại bình thường, vaccine COVID-19 về cơ bản cũng sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho một số công ty dược phẩm trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN