Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, dựa trên kết quả thăm dò và thảo luận với khách hàng, Drewry cho rằng các hãng vận tải dường như đang cố gắng nối lại hành trình qua Kênh đào Suez trong năm nay, dù hiện tại rất khó dự đoán cuộc khủng hoảng vận tải ở Biển Đỏ sẽ kéo dài bao lâu.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến ngày 30/1, ông Simon Heaney, quản lý cấp cao tại đơn vị nghiên cứu container của Drewry, nhận định quan điểm đồng thuận tại cuộc hội thảo là việc các hãng vận tải nối lại hành trình qua Kênh Đào Suez sẽ diễn ra trong vòng vài tháng, chứ không phải vài tuần.
Do lo các cuộc tấn công hiện nay của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ, nhiều hãng vận tải đang tránh tuyến hàng hải này với tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Dữ liệu của Drewry cho thấy số lượng tàu container đi qua Kênh Suez trong 3 tuần đầu năm 2024 đã giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số tàu di chuyển qua Mũi Hảo Vọng tăng 218% trong giai đoạn này.
Hãng tư vấn hàng hải có trụ sở tại London (Anh) cho biết thêm khi định tuyến lại hành trình của tàu, các hãng vận tải biển đang áp các khoản phụ phí từ 500-2.500 USD đối với mỗi container. Việc chuyển tuyến qua Mũi Hảo Vọng đang gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng.
Theo Drewry, thời gian vận chuyển từ châu Á đến các điểm đến chính ở Bắc Âu ước tính lên tới 40 ngày, tăng 32% so với thời gian di chuyển qua Kênh đào Suez.
Giám đốc điều hành Drewry, ông Philip Damas, nhận định trong 5 tuần tới, 34 chuyến tàu trong trong tổng số 145 chuyến dự định di chuyển từ châu Á đến Bắc Âu qua Kênh đào Suez sẽ bị hủy. Theo ông, nếu tình trạng chuyển hướng khỏi Kênh đào Suez chấm dứt vào quý II/2024, giá cước vận chuyển trung bình theo hướng Đông-Tây trong năm nay có thể giảm hơn 10% so với năm 2023.