Maersk cho biết sẽ vẫn tạm dừng hành trình của một số tàu qua Biển Đỏ trong bối cảnh vẫn còn nguy cơ lực lượng Houthi tại Yemen thực hiện các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền qua khu vực này và hãng sẽ công bố lịch trình di chuyển của từng tàu trong thời gian tới.
So với lịch trình được công bố hồi tuần trước, Maersk hiện tạm dừng kế hoạch di chuyển qua Biển Đỏ đối với 17 tàu. Maersk đã từng khẳng định an toàn của tàu thuyền và thành viên thủy thủ đoàn là ưu tiên hàng đầu của hãng.
Tuyên bố này đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Maersk đình chỉ việc di chuyển của tất cả tàu của hãng qua Biển Đỏ trong vòng 48 giờ. Trước đó, ngày 30/12, tàu chở container của Maersk Hangzhou treo cờ Singapore đã bị lực lượng Houthi tại Yemen tấn công liên tiếp hai lần chỉ trong 24 giờ. Trong lần đầu tiên, 2 tàu khu trục của Mỹ là USS Gravely và USS Laboon đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo chống hạm phóng đi từ vùng lãnh thổ do lực lượng Houthi kiểm soát tại Yemen sau khi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp của tàu Maersk Hangzhou. Trong vụ thứ hai, các máy bay trực thăng của Hải quân Mỹ đã đánh chìm 3 trong số 4 tàu nhỏ của lực lượng Houthi sau khi nhóm này tiếp tục tìm cách tấn công tàu trên.
Kể từ khi lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu liên quan đến Israel để ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza, nhiều hãng vận tải lớn, bao gồm Maersk và Hapag-Lloyd, đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez của Ai Cập hồi tháng 12/2023, và thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Tuy nhiên, ngày 24/12 vừa qua, Maersk thông báo chuẩn bị nối lại lộ trình qua Biển Đỏ sau khi Mỹ phối hợp với các đồng minh lập ra liên minh gồm trên 20 nước để bảo vệ các tàu thuyền đi qua tuyến đường biển này.
Trong khi đó, hãng vận tải Hapag-Lloyd đã quyết định tiếp tục chuyển hướng tàu thuyển của hãng khỏi tuyến đường qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ vì lý do an ninh, đồng thời cho biết sẽ đưa ra thông báo mới vào ngày 2/1.
Theo tính toán, việc thay đổi lộ trình vòng qua khu vực phía Nam của châu Phi sẽ khiến các hãng vận tải tốn thêm 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến tàu vận tải khứ hồi giữa Bắc Âu và châu Á.