Theo bình luận của hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/9, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 không chỉ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng cử viên chính, Donald Trump và Kamala Harris, mà còn trở thành một chiến trường cho các "ông lớn" trong ngành công nghệ và các tỷ phú Mỹ. Những người đứng đầu các tập đoàn và các nhà tài trợ lớn đang chia thành hai phe rõ rệt, bày tỏ sự ủng hộ cho một trong hai ứng cử viên, dựa trên quan điểm cá nhân và chính trị hơn là lợi ích kinh doanh trực tiếp.
Các công ty công nghệ lớn đứng về phía bà Harris
Dữ liệu về quyên góp cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhân viên tại những tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google. Họ đã quyên góp hàng triệu USD để ủng hộ chiến dịch tranh cử của bà Harris. Cụ thể, nhân viên của Alphabet và gia đình họ đã đóng góp 2,16 triệu USD cho chiến dịch của bà, gần 40 lần so với số tiền họ đóng góp cho chiến dịch của ông Trump. Tương tự, nhân viên Amazon đã quyên góp 1 triệu USD, gấp 10 lần so với số tiền đóng góp cho ông Trump, trong khi nhân viên Microsoft đã đóng góp 1,1 triệu USD, cao gấp 12 lần so với ông Trump.
Nhà đồng sáng lập Netflix, Reed Hastings, cũng là một trong những người ủng hộ lớn của bà Harris khi quyên góp 7 triệu USD cho chiến dịch của bà. Còn Meta (Facebook) và Apple dù chưa quyên góp được 1 triệu USD nhưng sự chênh lệch vẫn rất lớn. Nhân viên Meta đã quyên góp 835.000 đô la Mỹ cho bà Harris, gấp hơn 33 lần số tiền họ đóng góp cho ông Trump. Nhân viên Apple cũng đã quyên góp 861.000 đô la Mỹ, cao hơn gần 20 lần so với số tiền đóng góp cho chiến dịch của ông Trump.
Tỷ phú Elon Musk đứng về phía ông Trump
Ngược lại, cựu Tổng thống Donald Trump lại nhận được sự ủng hộ từ một số tỷ phú công nghệ và doanh nhân nổi bật. Điển hình nhất là Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, người đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho ông Trump. Tỷ phú Musk không chỉ ủng hộ về mặt tài chính mà còn sử dụng nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) mà ông sở hữu để lan tỏa quan điểm chính trị của mình tới 198 triệu người theo dõi. Theo Giáo sư Mark Jones của Đại học Rice, ông Musk mua Twitter không chỉ vì mục đích kinh doanh mà còn để có thể "trở thành một nhân vật có ảnh hưởng hơn trên sân khấu quốc gia".
Dù vậy, sự ủng hộ của ông Musk dường như không hoàn toàn đồng điệu với các nhân viên tại Tesla, SpaceX và X. Theo OpenSecrets, nhân viên tại Tesla đã đóng góp gần gấp đôi cho chiến dịch của bà Harris (42.824 USD) so với ông Trump (24.840 USD). Tại SpaceX, bà Harris cũng nhận được nhiều tiền ủng hộ hơn gần gấp năm lần so với ông Trump, và tại X, số tiền đóng góp cho bà Harris cao hơn 26 lần so với ông Trump.
Mặc dù các khoản đóng góp từ các nhân viên của ông Musk cho bà Harris cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm giữa "nhân viên và ông chủ", tỷ phú này vẫn là một trong những nhà tài trợ quan trọng của Trump.
Bên cạnh ông Musk, tỷ phú đầu tư Bill Ackman và nhà đầu tư David Sacks cũng là những người ủng hộ lớn cho ông Trump. Woody Johnson, đồng sở hữu đội bóng bầu dục NFL New York Jets, đã quyên góp 1 triệu USD để ủng hộ ông Trump.
Ảnh hưởng từ các tỷ phú công nghệ trong chính trị
Sự phân chia rõ rệt giữa các tỷ phú công nghệ và nhân viên của họ cho thấy rằng các khoản quyên góp không chỉ phản ánh lợi ích kinh doanh, mà còn thể hiện quan điểm chính trị và cá nhân của các tỷ phú. Giáo sư Mark Jones giải thích rằng những người tiến bộ có xu hướng ủng hộ bà Harris, trong khi những người có tư tưởng bảo thủ ủng hộ ông Trump. Đặc biệt, tỷ phú Musk được coi là người đóng góp chính không phải vì lợi ích kinh doanh mà vì lý do chính trị cá nhân.
Ngoài ra, việc ông Musk sử dụng nền tảng X để thúc đẩy quan điểm chính trị của mình làm nổi bật sự khác biệt giữa ông và các nhà lãnh đạo công nghệ khác như Mark Zuckerberg, người chủ yếu tập trung vào phát triển doanh nghiệp. Ông Musk đã tận dụng X để truyền tải các quan điểm chính trị của mình và tác động đến cuộc bầu cử, qua việc xác định nội dung nào được chấp nhận và ai có thể tham gia thảo luận trên nền tảng này.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tỷ phú công nghệ đều đứng về phía ông Trump. Mark Cuban, người dẫn chương trình Shark Tank và nhà đầu tư nổi tiếng, đã ủng hộ bà Harris một cách tích cực. Ông đã tham gia thảo luận chính sách với chiến dịch của bà Harris và khen ngợi lập trường của bà về việc tăng thuế thu nhập từ vốn lên 28% đối với các nhà đầu tư giàu có. Tỷ phú Cuban và một nhóm hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã công khai tuyên bố ủng hộ bà Harris, nhấn mạnh rằng sự tiến bộ về công nghệ và tinh thần doanh nhân là những giá trị quan trọng trong chính sách của bà.
Có thể thấy, các công ty công nghệ lớn và tỷ phú đều đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Nhưng sự chia rẽ rõ ràng giữa những người ủng hộ bà Harris và ông Trump không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân và chính trị của họ mà còn thể hiện tầm ảnh hưởng to lớn của vấn đề tài chính trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị. Dù ai chiến thắng, sự hỗ trợ từ các "ông lớn" công nghệ và giới tỷ phú chắc chắn sẽ tiếp tục định hình cục diện chính trị nước Mỹ.