Các quốc gia vùng Vịnh phản đối Israel mở rộng định cư tại Cao nguyên Golan

Quyết định mới nhất của Israel về việc mở rộng các khu định cư tại Cao nguyên Golan đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước Arập, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 10/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 15/12 đã thông qua kế hoạch trị giá hơn 40 triệu shekel (tương đương 11 triệu USD) với mục tiêu tăng gấp đôi dân số người Israel sinh sống tại Cao nguyên Golan. Ông Netanyahu khẳng định việc củng cố sự hiện diện tại khu vực này là yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh của Israel, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại biên giới với Syria. Ông nhấn mạnh: "Củng cố Golan chính là củng cố Nhà nước Israel".

Ngay lập tức, động thái này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia Arập trong khu vực.

Theo Chính phủ Saudi Arabia, kế hoạch của Israel là nhằm phá hoại nỗ lực kiến tạo hòa bình và ổn định tại Syria. Trong khi đó, UAE cảnh báo hành động của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực, kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp nào thay đổi hiện trạng pháp lý của Cao nguyên Golan. Quốc gia này đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng khu định cư là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của Syria. Qatar thì đánh giá hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Quốc gia này kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động can thiệp và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Về phần mình, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani đã tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước láng giềng và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ người dân Syria vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Liban. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967 và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này năm 1981 - Hội đồng Bảo an LHQ đã ra nghị quyết tuyên bố việc sáp nhập này là vô hiệu. Hiện tại, Cao nguyên Golan có khoảng 30.000 người Israel sinh sống, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, bên cạnh khoảng 23.000 người Druze (một cộng đồng Arập theo nhánh Hồi giáo riêng), phần lớn vẫn giữ quốc tịch Syria.

Liên quan đến tình hình tại Syria, ngày 16/12 Israel tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự ở Syria, nhắm vào các kho vũ khí, bao gồm cả kho chứa vũ khí hóa học, thuộc chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad. Israel tuyên bố đây là hành động tự vệ, nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố và bảo vệ biên giới của mình, chứ không nhằm mục đích leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện với Syria.

Lo ngại về tình hình an ninh bất ổn, một số quốc gia đã tiến hành sơ tán công dân khỏi Syria. Nga đã điều máy bay quân sự sơ tán một số nhà ngoại giao Nga, Belarus và Triều Tiên khỏi Damascus. Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga tại Syria vẫn duy trì tục hoạt động. Indonesia cũng đã thực hiện hai đợt sơ tán, đưa tổng cộng 65 công dân trở về nước an toàn và tiếp tục theo dõi sát tình hình để hỗ trợ những công dân còn lại.

Thanh Phương (TTXVN)
Israel tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Ireland
Israel tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Ireland

Ngày 15/12, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Sa’ar đã tuyên bố quyết định đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Ireland, với lý do là "chính sách cực đoan chống Israel" của chính phủ Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN