Theo hãng tin Bloomberg, ông Yerzhan Mukanov, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kazatomprom thuộc sở hữu nhà nước Kazakhstan, cho biết công ty khai thác urani này đã nhận được yêu cầu từ một số nhà máy điện hạt nhân ở Đông Âu cho các hợp đồng cung cấp từ năm 2025. Các nhà máy này trước đó thường mua urani từ Nga.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn dự trữ để sản xuất. Vì vậy, chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường”, ông Mukanov nói và cho biết thêm rằng công ty của ông có kế hoạch duy trì sản lượng urani trong năm nay ở mức khoảng 22.000 tấn.
Kazakhstan hiện là nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 40% lượng urani toàn cầu.
Theo quan chức này, tình hình địa chính trị đã buộc một số nhà máy điện phải tích trữ nhiên liệu hạt nhân.
Trong khi đó, theo Bloomberg, ngành sản xuất urani của Nga - một trong những nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới – có thể nằm trong đợt trừng phạt tiếp theo.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp mới nhằm vào các quốc gia mua urani của Nga. Các phương tiện truyền thông cũng cho rằng EU có thể đưa nhiên liệu hạt nhân của Nga vào gói trừng phạt tiếp theo.
Mỹ - nước tiêu thụ urani lớn nhất thế giới - cũng đã lên tiếng về ý định ngừng mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga. Trong khi lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hồi tháng 3 năm ngoái không nhắm vào urani, thì tháng trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra dự luật cấm nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Tuy nhiên, theo ông Amir Adnani, Giám đốc điều hành Uranium Energy Corp, tình trạng gián đoạn trong cung cấp urani Nga cho thị trường toàn cầu, dù thông qua các lệnh trừng phạt hoặc lệnh cấm xuất khẩu của Nga, cũng sẽ làm “rung chuyển” thị trường và gây ra “áp lực tăng giá” đối với loại nhiên liệu này.