Đây là giai đoạn hai của tiến trình đàm phán nói trên. Tháng trước, các đảng phái trên và quân đội Sudan đã ký một thỏa thuận khung để khởi động quá trình chuyển đổi chính trị mới hướng tới bầu cử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận này không đại diện cho đa số và có một số điểm sẽ gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Ngoài ra, một số vấn đề khó khăn nằm ngoài thỏa thuận khung nói trên, trong đó có cải cách lĩnh vực an ninh, thỏa thuận hòa bình được ký năm 2020 và căng thẳng ở miền Đông Sudan.
Cuộc đảo chính hồi tháng 10/2021 đã chấm dứt thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội Sudan và liên minh dân sự Lực lượng Tự do và Thay đổi được ký kết sau khi nhà lãnh đạo Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo quân sự Sudan đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng thành lập một chính phủ mới.
Cùng ngày 9/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh việc khởi động giai đoạn hai của tiến trình chính trị nhằm khôi phục quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự lãnh đạo ở Sudan.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stéphane Dujarric cho biết bước đi này dựa trên những tiến bộ đạt được trong quá trình ký kết Thỏa thuận khung chính trị vào ngày 5/12/2022. Đây là một bước quan trọng trong quá trình hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ, hòa bình và phát triển bền vững. LHQ, thông qua cơ chế 3 bên bao gồm Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ ở Sudan (UNITAMS), Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD), cam kết hỗ trợ quá trình này và giúp Sudan đạt được một thỏa thuận chính trị cuối cùng trong những tuần tới.
Ai Cập cũng bày tỏ đánh giá cao việc khởi động giai đoạn trên tại Sudan, coi đây là một “diễn biến quan trọng và tích cực”. Bộ Ngoại giao Ai Cập đã ra tuyên bố bày tỏ tin tưởng rằng các bên ở Sudan sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị cuối cùng và toàn diện để kết thúc giai đoạn chuyển tiếp cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân nước này. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ kinh tế và phát triển cho Sudan để giúp nước này giải quyết các thách thức.