Các ‘ông lớn’ Nhật Bản bán ưu đãi cổ phiếu để giữ chân nhân viên

Nhà điều hành hàng không ANA của Nhật Bản sẽ bán ưu đãi số lượng cổ phiếu trị giá khoảng 60 triệu USD cho hàng nghìn nhân viên.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông đứng trước bảng điện tử của một sàn giao dịch tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

ANA là doanh nghiệp mới nhất tại Nhật Bản triển khai bán ưu đãi cổ phiếu công ty cho nhân viên nhằm giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý về hiệu suất giá cổ phiếu. 

Theo hãng Reuters, ANA sẽ bán rẻ 100 cổ phiếu trị giá gần 20 USD/cổ phiếu cho khoảng 70% trong số 45.000 nhân viên vào tháng 11 tới. Trước đó, các công ty lớn khác của Nhật Bản như Omron và Sony đã đưa ra chính sách đãi ngộ tương tự. 

Sáng kiến ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản phải chứng kiến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất nhiều năm qua. Ngoài ra, Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo còn kêu gọi các công ty niêm yết "có ý thức hơn" về giá cổ phiếu do lo ngại rằng có quá nhiều công ty đang giao dịch dưới mức giá trị sổ sách của họ.

Dữ liệu từ Nomura Securities cho thấy, trong 5 năm qua, số công ty Nhật Bản thưởng đãi ngộ dựa trên vốn cổ phần cho nhân viên đã tăng gấp đôi lên 966, chiếm 1/4 trong số 3.900 công ty niêm yết.

Nhà nghiên cứu Motomi Hashimoto tại Bộ phận đãi ngộ cổ phiếu của Nomura giải thích với Reuters rằng biện pháp tặng cổ phiếu được thị trường nhìn nhận một cách tích cực, vì giá cổ phiếu cao hơn sẽ trực tiếp thúc đẩy các ưu đãi đó. 

Với việc có nhiều nhân viên hơn làm cổ đông, các giám đốc điều hành hy vọng người lao động sẽ đóng góp tốt hơn cho hiệu quả chung và thu nhập của công ty, cũng như là hiệu suất của cổ phiếu.

Nâng cao giá trị doanh nghiệp chính là chìa khóa đối với các nhà đầu tư ở Nhật Bản, nơi có rất nhiều cổ phiếu bị định giá thấp. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo hồi tháng 3 thậm chí phải đưa ra lời kêu gọi hiếm có nhằm yêu cầu các công ty tiết lộ kế hoạch dài hạn để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.

Ông Hitoshi Tanimura, Giám đốc nhân sự tại Omron cho biết chính sách đãi ngộ cổ phiếu nhằm mục đích điều chỉnh công tác quản lý, nhân viên và cổ đông.

Trong khi đó, một phát ngôn viên cho biết hãng Sony đã đưa ra các ưu đãi cổ phiếu từ cách đây nhiều năm cho một số cấp quản lý. Và gần đây, hãng này đã mở rộng phạm vi ưu đãi đến nhiều nhân viên. 
Theo yêu cầu của ANA, nhân viên phải giữ cổ phiếu trong ba năm trước khi có thể bán hoặc chuyển nhượng chúng.

Giám đốc điều hành ANA Shintaro Takano nói: “Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi, nhiều nhân viên ở độ tuổi 30 và 40 đã rời đi. Các ưu đãi cổ phiếu nhằm mục đích tăng cường sự gắn kết với nhân viên và thúc đẩy họ quan tâm hơn đến việc nâng cao giá trị doanh nghiệp”.

Việc thưởng khuyến khích bằng cổ phiếu, vốn chủ yếu dành cho các nhà quản lý, đã trở nên phổ biến hơn tại Nhật Bản, sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra các cải cách quản trị doanh nghiệp gần 10 năm trước, giúp ưu đãi này được khấu trừ thuế nhiều hơn.

Ngày nay, trao cổ phần cho nhân viên cũng là một cách để các công ty thay thế việc sở hữu chéo. Dữ liệu của công ty tư vấn Human Resources Governance Leaders cho thấy, mặc dù ngày càng phổ biến nhưng chỉ 1/4 trong số 100 công ty hàng đầu Nhật Bản có ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên. Tỷ lệ này là hơn 80% ở Mỹ hoặc Đức.

Các chuyên gia cho rằng luật lao động yêu cầu người sử dụng lao động trả lương bằng tiền thực tế đã cản trở việc phổ biến các biện pháp khuyến khích chia cổ phiếu cho nhân viên, bởi vì cổ phiếu chỉ có thể được thêm vào tiền lương, chứ không thay thế lương. Do đó, cần có những thay đổi về mặt pháp lý. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hàng tỷ USD của Nga 'mắc kẹt' trong các ngân hàng Ấn Độ
Hàng tỷ USD của Nga 'mắc kẹt' trong các ngân hàng Ấn Độ

Hãng Bloomberg đưa tin hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga đang "mắc kẹt " trong các ngân hàng Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN