Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ thanh niên sống cô lập với xã hội

Ngày 19/9, chính phủ Hàn Quốc đã công bố loạt chính sách phúc lợi mới nhằm tiếp cận những người trẻ tuổi đang sống cô lập với xã hội.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc định nghĩa những người bị cô lập về mặt xã hội là những người không có tương tác có ý nghĩa với người khác, ngoại trừ gia đình, trong hơn 6 tháng.

Trong một báo cáo do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện hồi tháng 5, số thanh niên bị cô lập xã hội chiếm 5% vào năm 2021, tương đương 538.000 người trong tổng số 10,8 triệu thanh niên Hàn Quốc thời điểm đó.

Bộ Phúc lợi cho biết họ đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận khác nhau, bao gồm cuộc gọi và tin nhắn, qua đó thanh niên bị cô lập có thể yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn tâm lý và tham gia các chương trình kỹ năng như lớp học nấu ăn để mở rộng tương tác và mối quan hệ xã hội.

Các chương trình chung sống tập thể cũng sẽ được thành lập để giúp thanh thiếu niên sống cô lập cùng hoàn cảnh sinh hoạt cùng nhau và học cách quản lý cuộc sống hàng ngày.

Trước mắt, các đơn vị chuyên môn sẽ được thành lập ở bốn tỉnh và thành phố vào năm tới để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người sống trong cảnh cô lập xã hội. Số lượng công chức phụ trách hỗ trợ sẽ tăng từ 180 hiện tại lên 230. Dự kiến, quy mô sẽ được mở rộng trên toàn quốc vào năm 2026.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ nâng trợ cấp từ 400.000 won (7,3 triệu đồng) lên 500.000 won cho những người sẵn sàng quay trở lại đời sống xã hội bình thường.

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng sẽ được tăng cường, cho phép thanh niên được khám sức khỏe thường xuyên hơn – rút ngắn từ 10 năm một lần đến 2 năm một lần - với hy vọng giúp xác định sớm các bệnh tâm thần bao gồm tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực ở độ tuổi trẻ.

Chính phủ đã phân bổ ngân sách 330,9 tỷ won cho năm tới để tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ phúc lợi mới dành cho những người trẻ tuổi bị cô lập, tăng 43% so với ngân sách năm nay.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, những người trẻ tuổi tại “xứ sở kim chi” phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng do chi phí nhà ở và khoảng cách thu nhập cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, vì họ là người trẻ, trong độ tuổi lao động nên họ cũng không được hưởng nhiều phúc lợi và trợ cấp như người cao tuổi hoặc trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Cho Kyoo-hong nhận định: “Những chính sách mới này sẽ tạo ra các biện pháp hỗ trợ cho những người trẻ tuổi rơi vào điểm mù phúc lợi. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách bổ sung dành cho những người trẻ này để giúp họ vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu của mình”.

Các biện pháp mới được chính phủ đưa ra trong bối cảnh các nhà tội phạm học đánh giá các nghi phạm trong loạt tội ác nghiêm trọng gần đây đều là những người có vấn đề về tâm lý và sống cô lập với xã hội.

Điển hình trong đó là Choi Yoon-jong, 30 tuổi. Vào ngày 17/8 vừa qua, Choi đã bắt có và hành hung dã man một phụ nữ khi đi bộ ở Sillim-dong, thủ đô Seoul. Sau vụ tấn công, nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê và qua đời hai ngày sau đó.

Ngày 21/7, một đối tượng nam ngoài 30 tuổi đã giết chết một người và làm bị thương ba người khác trong một vụ tấn công bằng dao gần ga tàu điện ngầm Slim phía Nam Seoul. Khi khai nhận với cảnh sát, hắn ta thừa nhận đã phải “sống một cuộc đời khốn khổ nên muốn làm cho người khác đau khổ”.

Trong vụ đâm nữ giáo viên tại thành phố Daejeon ngày 4/8, cảnh sát cho hay nghi phạm được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm trong những năm gần đây, nhưng không được điều trị.

Ngày 31/8, trong một thông báo về các biện pháp hỗ trợ thanh thiếu niên cô độc, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Tình trạng cô lập của những người trẻ tuổi làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, đồng thời ảnh hưởng xấu đến gia đình, trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng và gây nhức nhối”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yonhap)
Hàn Quốc kiểm tra sức khỏe, điều trị tâm lý cho giáo viên trước áp lực công việc
Hàn Quốc kiểm tra sức khỏe, điều trị tâm lý cho giáo viên trước áp lực công việc

Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho tất cả giáo viên cảm thấy căng thẳng do áp lực từ công việc và phụ huynh học sinh đi kiểm tra tâm lý. Về lâu dài, các trường cũng sẽ được cung cấp một công cụ đặc biệt để kiểm tra sức khỏe tâm thần của giáo viên ở mức độ thường xuyên hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN