Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các bên tham gia ký kết đã cam kết hành động để giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và ở mức 1,5 độ C nếu có thể. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện cùng với thực tế rằng thế giới đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết người, cho thấy mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C là ngưỡng an toàn hơn cho toàn cầu hiện nay.
Báo cáo trên chỉ ra rằng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch của một số quốc gia nghèo hơn dù chỉ chiếm một phần nhỏ sản lượng của thế giới nhưng họ lại phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ đó. Do đó, việc nhanh chóng loại bỏ nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của các nước nghèo hơn có thể đe dọa sự ổn định chính trị ở những quốc gia này. Các nước như Nam Sudan, Congo, Gabon rất ít nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế khác ngoài khí đốt và dầu mỏ. Ngược lại, các quốc gia giàu có vốn là những nhà khai thác nhiên liệu hóa thạch lớn sẽ vẫn giàu có ngay cả khi không còn nguồn thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, nguồn thu từ dầu khí đóng góp 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ nhưng GDP bình quân đầu người của nước này sẽ vẫn khoảng 60.000 USD, cao thứ 2 thế giới dù không tính nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.
Tác giả chính của báo cáo trên, Giáo sư về năng lượng và biến đổi khí hậu tại Đại học Manchester, Anh, Kevin Anderson, cho biết có 88 quốc gia trên thế giới khai thác dầu khí. Theo Giáo sư Anderson, các chuyên gia đã tính toán những thời điểm loại bỏ phát thải khí CO2 cho tất cả những quốc gia này phù hợp với những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo đó, họ nhận thấy rằng để có 50/50 cơ hội hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, 19 quốc gia có GDP bình quân đầu người trên 50.000 USD khi không tính thu nhập từ dầu khí cần phải chấm dứt hoạt động khai thác vào năm 2034. Trong số này có Mỹ, Na Uy, Anh, Canada, Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tiếp sau đó, 14 quốc gia khác có GDP bình quân đầu người khoảng 28.000 USD khi không tính thu nhập từ dầu khí cần ngừng hoạt động khai thác vào năm 2039, trong đó có Saudi Arabia, Kuwait và Kazakhstan. Nhóm quốc gia tiếp theo là Trung Quốc, Brazil và Mexico, cần loại bỏ nguồn thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt vào năm 2043. Sau đó đến các nước Indonesia, Iran và Ai Cập vào năm 2045. Chỉ có những quốc gia khai thác dầu khí nghèo nhất như Iraq, Libya và Angola có thể tiếp tục hoạt động này đến năm 2050.
Trước đó, khi các nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, họ đã chấp nhận rằng những quốc gia giàu có cần thực hiện những bước đi lớn hơn và nhanh hơn để giảm phát thải khí CO2, đồng thời hỗ trợ tài chính để giúp những nước nghèo hơn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Quy định này cũng được áp dụng đối với hoạt động sản xuất điện than. Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước giàu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dần loại bỏ sử dụng than đá vào năm 2030, trong khi phần còn lại của thế giới là vào năm 2040.