Các nước EU chủ trương 'hành động chung' để giảm nguy cơ khủng hoảng năng lượng

Liên minh châu Âu (EU) đang hướng đến việc mua chung khí đốt tự nhiên và đảm bảo cơ sở dự trữ luôn “gần đầy” để tránh nguy cơ khủng hoảng năng lượng.

Chú thích ảnh
Việc thi công kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Brunsbuettel, miền Bắc Đức. Ảnh: AP 

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời các quan chức EU cho biết thông tin trên ngày 22/3. Liên minh 27 nước thành viên thừa nhận đã quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết số lượng khí đốt dự trữ thấp đem lại khó khăn lớn cho châu Âu trong tháng 1 bởi phải tìm kiếm thêm khí đốt bổ sung cho tiêu thụ.

Trong bối cảnh giá năng lượng cao và nguồn cung thấp, EU liền xem xét lại khủng hoảng gần đây nhất - dịch COVID-19 - làm bài học. Khi đó, các thành viên EU đã phối hợp mua vaccine phòng COVID-19 khối lượng lớn để phân phối công bằng.

Do đó, ông Sefcovic nói: “Tôi cho rằng có ủng hộ với việc cùng chung tay mua khí đốt giữa các nước thành viên”. Phó Chủ tịch EC bổ sung đề xuất này có thể nhận được ủng hộ từ lãnh đạo các quốc gia châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày từ 24/3. AP đã tiếp cận bản kết luận phác thảo của hội nghị trong đó có đoạn “các nước thành viên và ủy ban châu Âu sẽ khẩn cấp phối hợp cùng mua khí đốt, khí thiên nhiên hóa lỏng và hydrogen”.

Các nhà lãnh đạo EU trong một hội nghị tổ chức ngày 11/3 đã thỏa thuận về nguyên tắc chung để đến 2027 giảm phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, dầu thô và than đá Nga.

Năm 2013, khoảng 27% khí đốt châu Âu sử dụng là nhập khẩu từ Nga. Nhưng 9 năm sau, thay vì giảm phụ thuộc vào Nga, châu Âu lại càng dựa vào khí đốt của Moskva. Hiện nay khoảng 38% nguồn cung khí đốt của châu Âu là xuất phát từ Nga.

Mặc dù các lệnh trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga là chưa từng có tiền lệ nhưng khối liên minh này vẫn nỗ lực tránh gây gián đoạn nguồn cung năng lượng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thủ tướng Israel nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine
Thủ tướng Israel nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine

Nhà lãnh đạo Israel cũng tiết lộ rằng Ukraine không còn yêu cầu gia nhập NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN