Các nước Arab khẳng định tầm quan trọng việc giải quyết xung đột Israel - Palestine

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 16/7, Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đều đã đề cập tới vấn đề Palestine và Israel trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Arab ở Jeddah (Saudi Arabia).

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng Mỹ, Ai Cập, Iraq và Jordan ở Jedda (Saudi Arabia), ngày 16/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại hội nghị, Quốc vương Abdullah II cảnh báo sẽ không thể đạt được ổn định trong khu vực mà không có giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Tổng thống Sisi cũng kêu gọi một giải pháp 2 nhà nước trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Cùng chung quan điểm này, Quốc vương Thani đã kêu gọi các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không từ bỏ sáng kiến hoà bình Arab năm 2002 chỉ vì Israel bác bỏ đề xuất này.

Sáng kiến năm 2002 đề xuất Israel được bình thường hóa đầy đủ quan hệ với 22 quốc gia thành viên Liên đoàn Arab, nếu Israel đồng ý với giải pháp 2 nhà nước với đường biên giới trước năm 1967 và giải pháp công bằng cho người tị nạn Palestine.

Hội nghị thượng đỉnh tại Jeddah có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ 6 quốc gia thuộc GCC cùng với Ai Cập, Jordan và Iraq. 

Trong diễn biến khác cùng ngày, truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin Tổng thống Biden đã hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi về tổ chức các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Iran tại Baghdad. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Biden được đưa ra trong cuộc họp báo tại thành phố Jeddah sau cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi.

Trong nhiều tháng qua, Iran và Saudi Arabia đã tiến hành một số cuộc đàm phán với sự trung gian của Iraq. Theo giới quan sát, Iran và Saudi Arabia vốn là hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Việc hai nước định hình lại mối quan hệ thông qua các cuộc đàm phán dưới vai trò trung gian hòa giải của Iraq sẽ góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông vốn đã có nhiều điểm nóng.

Cũng trong cuộc họp báo ở thành phố Jeddah, ông Biden khẳng định ủng hộ nền dân chủ của Iraq.

Về phần mình, Thủ tướng Al-Kadhimi đã đánh giá cao “mối quan hệ hữu nghị, chiến lược” giữa Mỹ và Iraq, đồng thời cảm ơn việc Mỹ hỗ trợ nước này chống khủng bố.

Ước tính có khoảng 2.500 lính Mỹ vẫn đang đóng quân tại Iraq để hỗ trợ cho cuộc chiến chống các phần tử khủng bố cực đoan.

Quang Minh - Nguyễn Tùng (TTXVN)
Những vấn đề còn bỏ ngỏ ở Trung Đông
Những vấn đề còn bỏ ngỏ ở Trung Đông

Ông Joe Biden vừa kết thúc chuyến thăm Trung Đông đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, với lịch trình dày đặc tại 3 chặng dừng chân chính bao gồm Israel, khu Bờ Tây của Palestine và Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN