Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hợp chất peptide (tên khoa học của những phân đoạn protein và được tạo thành từ các axit amin) để phát triển 2 loại thuốc nói trên, dựa vào cơ chế virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE2 trên tế bào và sử dụng thụ thể này để tái tạo hiệu quả hơn.
Loại thuốc đầu tiên có tác dụng che thụ thể ACE2, là nơi cấu trúc gai protein của virus SARS-CoV-2 liên kết với tế bào khi xâm nhập cơ thể người. Loại thuốc thứ hai có tác dụng ngăn virus SARS-CoV-2 xâm lấn thụ thể ACE2 từ bên trong và sử dụng để tái tạo.
Theo Giáo sư Subha Rao, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, trong bối cảnh việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện nay còn chậm, các nhà khoa học nhận thấy cần nghiên cứu việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Subha Rao cho biết 2 loại thuốc trên đã được các nhà nghiên cứu của Pháp thử nghiệm thành công trên chuột hamster. Nếu được xác nhận có hiệu quả đối với người, các loại thuốc này có thể sẽ rất hữu dụng đối với những người chưa được tiêm chủng phòng bệnh và những người không thể tiêm chủng, chẳng hạn những người có hệ miễn dịch kém. Đối với những người đã được tiêm chủng, các loại thuốc này có thể giúp tăng hiệu quả của vaccine trong trường hợp họ có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Hai loại thuốc trên đang được phát triển dưới dạng xịt giống như thuốc xịt hen suyễn, giúp dễ hấp thu hơn, giá thành rẻ hơn và dễ sản xuất hơn vaccine.