Theo phóng viên TTXVN tại Rome, dự thảo kết luận, sẽ được chính thức thông qua vào ngày 31/10, viết: "Chúng tôi kêu gọi Khuôn khổ bao trùm của OECD/G20 để nhanh chóng phát triển các quy tắc mẫu và các công cụ đa phương như đã thống nhất trong Kế hoạch thực hiện chi tiết, nhằm đảm bảo rằng các quy tắc mới sẽ có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu trong năm 2023".
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người tham dự cuộc đàm phán, nói: "Hôm nay, tất cả các nguyên thủ quốc gia G20 đều tán thành một thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thuế quốc tế mới, trong đó có mức thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp".
Hồi đầu tháng 10, khoảng 136 quốc gia, đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu, đã ký một thỏa thuận do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian nhằm đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn và ban hành mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu.
Cải cách này, được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2017 và được thúc đẩy thông qua sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Mỹ. Trụ cột đầu tiên của cải cách, liên quan đến việc đánh thuế các công ty tại nơi mà họ tạo ra lợi nhuận chứ không chỉ ở nơi họ đặt trụ sở chính, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Quốc hội Mỹ. Những gã khổng lồ internet của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple, chuyên gia trong việc dựa vào các quốc gia có mức thuế thấp để giảm bớt số tiền phải đóng thuế của họ, là những mục tiêu cụ thể của quy định thuế toàn cầu mới.
Theo OECD, mức thuế tối thiểu 15%, sẽ được áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu hàng năm vượt quá 750 triệu euro (866 triệu USD), có thể đóng góp thêm 150 tỷ USD/năm vào nguồn thu thuế toàn cầu.