Theo bộ trên, hiểu biết chung này sẽ hỗ trợ cho việc đạt một thỏa thuận chính trị cuối cùng trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào tháng 10 tới.
Thông báo của bộ trên cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc tái định hình các quy định toàn cầu về thuế nhằm đảm bảo các tập đoàn trả "phần công bằng" và cung cấp cho các chính phủ những nguồn lực để đầu tư cho người dân và nền kinh tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng ra tuyên bố cho biết các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đạt nhiều tiến bộ về các điểm chính trong cải cách thuế tập đoàn, đồng thời kêu gọi các bên "không nên bỏ lỡ cơ hội để đạt một thỏa thuận lớn vào tuần tới".
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhận được một bản cập nhật các đề xuất cải cách quy định đánh thuế công ty của OECD trong những ngày tới. Từ trước tới nay, Ireland - nước đang áp dụng một mức thuế thấp đối với một số tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới (12,5%) - vẫn từ chối ký một thỏa thuận của OECD mà hơn 130 nước trong số 139 quốc gia tham gia thảo luận đã ký kết. Ireland chỉ trích mức thuế tối thiểu 15% được đề xuất trong thỏa thuận này.
Theo kế hoạch, thỏa thuận sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị của OECD ngày 8/10 tới. Ông Donohoe dự báo "tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng của các cuộc đàm phán đang kéo dài nhiều năm qua và chúng ta sẽ được biết có ký được một thỏa thuận vào cuối tuần hay không". Ông cũng cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu các lo ngại của Ireland có được giải quyết hay không.
Ông Donohoe đã tham dự hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 với tư cách Chủ tịch Eurogroup (nhóm gồm các Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng euro). Sự tham gia của Ireland vào thỏa thuận trên sẽ là một cú hích mạnh cho kế hoạch áp một mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn lớn.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí áp một mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu nhập quốc tế của các tập đoàn. Thỏa thuận sau đó đã nhận được sự ủng hộ của 134 quốc gia, đại diện cho hơn 90% GDP thế giới.