Trong báo cáo thường niên của AIMS, cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Australia chuyên theo dõi rạn san hô Barrier Reef trong 35 năm qua, rạn san hô này hiện đang "trong cơ hội phục hồi" sau một thập kỷ bị tàn phá trước sự ấm lên của Trái Đất và các cơn bão. Tuy nhiên, cơ hội phục hồi này đang trở nên ít ỏi hơn do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Giám đốc điều hành AIMS, Paul Hardist nêu rõ: "Sự xuất hiện ngày càng tăng các hình thái thời tiết cực đoan liên quan tới biến đổi khí hậu cũng như sự phát triển mạnh của loài sao biển gai đang gây ra áp lực nghiêm trọng và thường xuyên hơn, khiến cho rạn san hô ít cơ hội phục hồi hơn".
Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát ở 127 địa điểm của rạn san hô này trong năm nay và phát hiện sự phát triển của san hô ở 69 trong số 81 địa điểm được khảo sát trong 2 năm qua, chủ yếu là nhờ sự phát triển nhanh của giống san hô cành (Acropora). Giám đốc chương trình nghiên cứu thuộc AIMS, Britta Schafelke cho biết những phát hiện mới nhất này làm lóe lên hy vọng rằng rạn san hô này vẫn phục hồi, song triển vọng phục hồi trong tương lai là ít ỏi do mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đang tác động đến những sinh vật biển hình thành nên rạn san hô.
Trước đó, một nghiên cứu khoa học khác công bố vào tháng 10/2020 cho thấy rạn san hô Barrier Reef, trải dài hơn 2.300 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, đã mất một nửa số san hô kể từ năm 1995 do một loạt các đợt nóng ở đại dương gây ra tình trạng tẩy trắng san hô.
Tháng trước, UNESCO đã đề nghị đưa rạn san hô lớn nhất thế giới này vào danh sách các di sản đang gặp nguy hiểm do bị hủy hoại chủ yếu bởi tình trạng Trái Đất ấm lên. Tuy nhiên, Chính phủ Australia đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đề xuất của UNESCO, cho rằng việc đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới "đang gặp nguy hiểm" sẽ tác động tiêu cực tới ngành du lịch nước này.
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, rạn san hô Great Barrier là lợi thế du lịch tự nhiên lớn nhất của bang Queensland, tạo doanh thu ước tính 4,8 tỉ USD/năm cho nền kinh tế Australia.
Được tôn vinh là Di sản thiên nhiên Thế giới vào năm 1981, song cho đến nay rạn san hô Great Barrier là một trong 7 di sản dự kiến sẽ được liệt vào danh sách "đang gặp nguy hiểm" do suy giảm môi trường sinh thái, tác động của tình trạng phát triển quá mức và khai thác du lịch quá mức.