Giáo sư Terry Hughes thuộc Trung tâm nghiên cứu rạn san hô (ARC) thuộc Đại học James Cook, cho biết các mức nhiệt cao kỷ lục gây ra các đợt tẩy trắng san hô vào các năm 2016 và 2017 đã làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản. Điều này có nghĩa là khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt đã bị tổn thương.
Theo Giáo sư Hughes, đợt tẩy trắng xảy ra vào tháng 3 vừa qua có thể gây nhiều thiệt hại hơn cho khu vực phía Nam của rạn san hô Great Barrier. Đây là đợt tẩy trắng trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay và là lần thứ 3 trong vòng 5 năm qua.
Trước đây, Giáo sư Hughes từng cho biết ông gần như chắc chắn rằng rạn san hô này sẽ không thể phục hồi về trạng thái 5 năm trước đây, nên việc phục hồi về 30 năm trước càng là điều xa vời. Ông nhấn mạnh nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn biến theo các xu hướng hiện nay, rạn san hô Great Barrier sẽ bị hủy hoại. Khi đó, một hệ sinh thái nhiệt đới khác thay thế nhưng sẽ không phải là một rạn san hô mà sẽ là một dạng thảm tảo biển, với nhiều bọt biển và ít san hô hơn.
Rạn san hô Great Barrier nằm ở ngoài khơi bờ biển Queensland, Đông Bắc Australia. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), rạn san hô Great Barrier bao phủ diện tích khoảng 348.000 km2, được công nhận là di sản thế giới năm 1981 như hệ sinh thái rạn san hô rộng lớn và đặc biệt nhất trên hành tinh.