Các luật mới nhằm hạn chế các nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước rất kém trong vùng biển có rạn san hô, như các chất cặn và thuốc trừ sâu từ các trang trại ven biển thải ra. Luật mới cũng tăng số lượng các ngành sản xuất và khu vực bị hạn chế đưa chất thải ra biển.
Bộ trưởng Môi trường bang Queensland Leanne Enoch cho biết rạn san hô đang đối mặt nguy cơ lớn là bị đặt vào danh sách di sản thế giới "bị đe dọa" nếu các đạo luật trên không được thực thi trước cuộc họp về vấn đề này của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), dự kiến vào năm 2020. Phát biểu với tổ hợp truyền thông ABC, bà Enoch cho biết: "UNESCO sẽ soi xét rất kỹ các hành động của chúng ta. Chúng ta cần tăng cường các nỗ lực trong vấn đề quản lý chất lượng nước".
Rạn san hô Great Barrier vốn rất hấp dẫn khách du lịch, đem về ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Australia. Tuy nhiên, rạn san hô này đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây do đối mặt với nhiều mối đe dọa như nhiệt độ nước biển tăng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước và tình trạng sao biển ăn san hô. Hiện trạng trên đã làm đau đầu chính quyền bang Queensland trong việc cân bằng lợi ích của nông dân với nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô.
Nhóm AgForce, chuyên vận động hành lang về nông nghiệp lớn nhất của bang Queensland, bày tỏ "phản đối, song không ngạc nhiên" khi luật trên được thông qua, đồng thời cho rằng luật mới sẽ "gò bó" ngành nông nghiệp bằng những quy định "phiền hà và tốn kém". Tuy nhiên, Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) hoan nghênh các quy định mới, cho rằng việc này là cần thiết để đảm bảo rằng nông dân và người sử dụng đất công nghiệp từ bỏ các thói quen vốn gây hại cho rạn san hô độc đáo này.