Australia nỗ lực cứu rạn san hô Great Barrier khỏi nguy cơ bị hạ cấp

Ngày 14/7, Australia sẽ đưa một nhóm đại sứ nước ngoài tới khảo sát tình trạng của rạn san hô Great Barrier. Bước đi này nằm trong những nỗ lực vận động nhằm đưa di sản thế giới này ra khỏi danh sách nguy cấp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO).

Chú thích ảnh
Rạn san hô Great Barrier ở Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng trước, UNESCO đã khuyến nghị hạ cấp danh hiệu Di sản thế giới của Great Barrier vì địa điểm du lịch nổi tiếng này đang bị phá hủy nhanh hơn dự báo do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các nhà vận động bảo vệ môi trường cho rằng quyết định của UNESCO cho thấy Australia đã hành động chưa đủ và quyết liệt nhằm hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Chính phủ Australia kịch liệt phản đối kế hoạch trên của UNESCO, đồng thời tiến hành chiến dịch vận động nhằm "minh oan" cho rạn san hô này trước thềm phiên họp thứ 44 của Ủy ban Di sản thế giới do Trung Quốc chủ trì vào ngày 16/7 tới. Dự kiến, đại diện các nước sẽ tiến hành bỏ phiếu về quyết định hạ cấp danh hiệu Di sản Thế giới đối với Great Barrier.  

Theo đặc phái viên của Chính phủ Australia về các rạn san hô - ông Warren Entsch, các đại sứ từ Liên minh châu Âu (EU) và hơn 10 quốc gia khác - bao gồm các thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới - sẽ được đưa tới rạn san hô Agincourt, rìa ngoài của Great Barrier, đồng thời cũng là một địa điểm nổi tiếng ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia. Ông cho biết: "Họ sẽ có thể tự mình nhìn thấy vẻ đẹp và sự đa dạng của nó, cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng chúng tôi chăm sóc rạn san hô này. Chúng tôi thực sự đã chăm sóc nó rất tốt". Ông Warren Entsch cho biết Australia đã có những động thái "đáng kể" để giảm mức phát thải khí carbon, song việc cứu rạn san hô này cần có thêm cả nỗ lực "của các quốc gia ở Bắc bán cầu".

Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cho rằng kế hoạch của UNESCO không tính đến hàng tỷ USD mà nước này đã chi cho nỗ lực bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới của mình. Bà cảnh báo điều này "phát đi tín hiệu tồi" cho những quốc gia đang không đầu tư vào nỗ lực bảo vệ rạn san hô, không khuyến khích các nước này chú trọng tới công tác bảo tồn di sản thiên nhiên.

Dù không  cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nhưng Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này hy vọng đạt được mục tiêu này "càng sớm càng tốt" mà không gây phương hại cho nền kinh tế.

Tháng 12 năm ngoái, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và đẩy rạn san hô Great Barrier rơi vào tình trạng "nguy cấp".

Trải dài hơn 2.400 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, các mức nhiệt cao kỷ lục gây ra các đợt tẩy trắng san hô vào các năm 2016 và 2017 đã làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản. Điều này có nghĩa là khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt đã bị tổn thương.

Thanh Phương (TTXVN)
Các nhà khoa học ủng hộ kế hoạch của UNESCO đối với rạn san hô Great Barrier
Các nhà khoa học ủng hộ kế hoạch của UNESCO đối với rạn san hô Great Barrier

Ngày 1/7, nhóm 5 chuyên gia khí hậu và đại dương đã gửi thư tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của tổ chức này đưa rạn san hô Great Barrier của Australia vào danh sách các Di sản Thế giới "đang gặp nguy hiểm".  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN