Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ngày 30/12 xác nhận rằng Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đến châu Phi thăm Nigeria, Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles từ 4-9/1/2021.
Tờ Newsweek (Mỹ) dẫn lời ông Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Kể từ năm 1991, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các ngoại trưởng Trung Quốc thường là châu Phi. Việc Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm lần này là nối tiếp truyền thống, cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc kết nối quan hệ với châu Phi”.
Bên cạnh đó, ông Uông Văn Bân cũng nhấn mạnh đến phối hợp giữa Trung Quốc và châu Phi trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ông bổ sung: “Kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, Trung Quốc và châu Phi đã đoàn kết chống dịch bệnh, là minh chứng cho tình hữu nghị của hai bên. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị còn cho thấy quyết tâm và sự chân thành của Trung Quốc trong gắn kết mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia châu Phi ở thời kỳ hậu COVID-19”.
Dịch COVID-19 lần đầu được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019 sau đó lây lan ra toàn thế giới. Trung Quốc hiện kiểm soát được dịch bệnh trong khi nhiều nước phương Tây lại gặp khó khăn. Tại châu Phi, mới chỉ có Nam Phi ghi nhận trên 1 triệu ca mắc trong khi một số quốc gia khác có trên 100.000 trường hợp.
2021 cũng là năm cuối cùng của những mục tiêu được đề ra trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) năm 2018. Có 54 quốc gia châu Phi đã tham gia FOCAC. Trong tháng 6, FOCAC tổ chức hội thảo về dịch COVID-19 với Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng “Trung Quốc tiếp tục hết sức mình hỗ chợ châu Phi đối phó với dịch COVID-19”.
Trên thực tế, hợp tác kéo dài nhiều thập niên giữa Trung Quốc và châu Phi quay quanh nhiều lĩnh vực. Trong 2 thập niên qua, Trung Quốc đã cho 52 quốc gia châu Phi vay 178 tỷ USD. Nhiều trong số đầu tư này được đổ về các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tạo quan hệ về quân sự với châu Phi. Bắc Kinh đã thiết lập căn cứ quân sự ở hải ngoại đầu tiên trên lãnh thổ Djibouti năm 2017. Trung Quốc còn nằm trong nhóm 10 nước cử nhiều chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với nhiều nhiệm vụ tại các quốc gia châu Phi.
Nhà thành lập tổ chức Black China Caucus - Mark Akpaninyie nhận định với Newsweek rằng quyết định của Ngoại trưởng Vương Nghị cho thấy Bắc Kinh đặt trọng tâm vào châu Phi.
Ông Mark Akpaninyie phân tích: “Đã có tăng trưởng đáng kể trong thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia châu Phi kể từ cuối thế kỷ. Lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi còn tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh với kết quả thu được là hàng triệu USD hỗ trợ, cho vay và nhiều hình thức kinh tế khác”.
Nhưng ông Akpaninyie cũng đề cập đến tình trạng xuất hiện làn sóng không ủng hộ Trung Quốc ở châu Phi trong năm 2020, bắt nguồn từ cách xử lý dịch COVID-19 của Bắc Kinh cho đến diễn biến phân biệt đối xử với người châu Phi sống tại Trung Quốc. Ông bổ sung: “Tâm lý phản đối Trung Quốc không phải là mới mà vốn đã tồn tại trong quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tác động đến vị thế của Trung Quốc là đối tác ngoại giao và kinh tế với các quốc gia châu Phi. Liệu mối nghi ngại này có thay đổi quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được”.
Mỹ trong khi đó nhiều lần cảnh báo các quốc gia châu Phi tránh xa Trung Quốc. Trong báo cáo thường niên về an ninh và kinh tế Mỹ-Trung Quốc gửi quốc hội Mỹ vào đầu tháng 12 này, tương tác giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi chiếm phần lớn nội dung.