Theo dấu chân ‘thợ săn virus’ giữa rừng rậm châu Phi

Cảnh tượng giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng: Sáu người đàn ông mặc áo chống độc kín mít màu vàng dưới cái nóng ngột ngạt, băng qua địa hình hiểm trở hướng về một hang động nằm giữa rừng rậm ở Gabon.

Đi tìm mầm mống dịch bệnh

Nhiệm vụ của họ là tìm ra những manh mới mối về cách thức các mầm bệnh giống như virus Corona có thể vượt qua rào cản về chủng loài để lây truyền cho con người. Mục tiêu nghiên cứu của họ là một đàn dơi sống trong hang tối.

"Công việc của chúng tôi là tìm kiếm các mầm bệnh có thể gây nguy hiểm cho con người và tìm hiểu cách thức lây truyền giữa các loài", ông Gael Maganga, giáo sư tại Đại học Franceville, giải thích với hãng thông tấn AFP.

Chú thích ảnh
Một nhà nghiên cứu dùng lưới bẫy dơi tại hang Zadie Caves ở Gabon. Ảnh: AFP 

Loài dơi có thể là vật chủ của nhiều loại virus vô hại với chúng song lại có thể nguy hiểm đối với con người. Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính là ví dụ mới nhất được cho là đã lây nhiễm từ động vật sang người.

SARS-CoV-2 là thế hệ sau của ba loại virus gây bệnh về đường hô hấp khác: MERS năm 2012, SARS năm 2003 và cúm H5N1 năm 1997. Trước đó, virus Ebola và HIV được cho là đã lây từ tinh tinh sang người vào khoảng một thế kỷ trước, nhiều khả năng thông qua những người thợ săn mổ xẻ thịt tinh tinh bị nhiễm virus.

Việc đến được cái hang sâu nằm giữa rừng rậm Tây Phi không hề dễ dàng. Môi trường nóng ẩm và chứa đầy những hiểm họa thiên nhiên này là nơi khắc nghiệt đối với con người nhưng lại hoàn hảo đối với virus. 

Dần dần, mùi đất ẩm ướt chuyển thành mùi phân dơi. Mọi thứ trở nên ngột ngạt trong bầu không khí nhớp nháp. Ong và bướm bạc bay vo vo xung quanh đầu của các “thợ săn virus”. Khuôn mặt họ ướt đẫm mồ hôi bên dưới lớp kính bảo hộ.

Đàn dơi nhận thấy sự xuất hiện của con người, bay toán loạn. Nhóm nghiên cứu soi đuốc, căng lưới để bắt những con dơi bay ra phía cửa hang. Họ dùng gạc vô trùng để lấy mẫu phẩm từ miệng và trực tràng của dơi. Sau đó, chúng được đưa trở lại phòng thí nghiệm để kiểm tra xem có chứa mầm bệnh mới hay không.

Các nhà khoa học kịch liệt bác bỏ ý định đổ lỗi cho loài dơi về thảm họa COVID-19. Họ cho rằng sự xâm phạm của con người đối với môi trường sống của chúng đã đẩy hai loài động vật có vú này trở nên gần nhau hơn, khiến nguy cơ lây nhiễm trở nên cao hơn.

Ông Gael Maganga nói: “Hành vi của con người thường là nguyên nhân dẫn đến một loại virus mới. Ngày nay, với sức ép dân số, tình trạng gia tăng trồng trọt hoặc săn bắn, con người và động vật ngày càng tiếp xúc thường xuyên hơn”.

Ông Magana cũng là đồng giám đốc của Đơn vị các bệnh virus mới tại Trung tâm Nghiên cứu Y tế Liên ngành của Đại học Franceville, hay còn gọi là CIRMF. Đơn vị này điều hành một trong hai phòng thí nghiệm P4 của châu Phi. Đây là phòng thí nghiệm có độ rủi ro cực cao, hoạt động ở mức độ an ninh tối đa.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học lấy mẫu phẩm của dơi. Ảnh: AFP

Mối liên quan giữa người và động vật

Báo cáo hồi tháng 10 của Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (IPBES) chỉ ra rằng có tới 850.000 chủng virus tồn tại trên động vật và có thể lây sang con người. Theo báo cáo trên, 70% các bệnh mới xuất hiện đã tồn tại trên động vật trước khi truyền sang con người và mỗi năm lại có xấp xỉ 5 căn bệnh mới tấn công con người. 

Bà Pauline Grentzinger, bác sĩ thú y tại Công viên Tự nhiên Lekedi, phản đối lối suy nghĩ thường thấy rằng con người và động vật không liên quan đến nhau. Theo bà, về mặt sức khỏe, điều xảy đến với một loài sẽ tác động lên các loài khác. “Bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ loài người”, bà Grentzinger nhấn mạnh. 

Tại Gabon, mọi ổ dịch Ebola đều xảy ra tại vùng Zadie Caves. Các nhà nghiên cứu tại CIRMF đã phát hiện các mẫu phẩm của virus Ebola ở loài dơi, xác định loài vật có vú biết bay này là vật chủ. 
Ông Maganga cũng tìm thấy một số chủng virus Corona khác đang sống trong cơ thể loài dơi, trong đó có vài loại gần giống với SARS-CoV-2. 

Bất chấp rủi ro hiển hiện, không ít thợ săn vẫn đi vào khu vực này để săn bắn động vật như linh dương, khỉ và dơi. Vào tháng 4/2020, Gabon đã áp đặt lệnh cấm buôn bán dơi và tê tê - một loài khác được coi là con vật trung gian truyền bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, những người dân làng sống gần các hang động nói rằng vẫn chưa người nào trong số họ bị mắc bệnh. Và đối với nhiều người, nỗi nghèo đói dường như lấn áp mọi nguy hiểm. "Chỉ trong một đêm, tôi có thể kiếm số tiền bằng cả tháng làm lụng", ông Aristide Roux, một thợ săn 43 tuổi, chia sẻ trong lúc chỉ vào cái xác linh dương đặt dưới gốc cây bên đường. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Phát hiện thực vật hấp thụ dưỡng chất từ bụi trong không khí
Phát hiện thực vật hấp thụ dưỡng chất từ bụi trong không khí

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, các nhà khoa học Israel vừa phát hiện một số loài thực vật sa mạc sống trong môi trường bụi bặm có kiểm soát, có thể hấp thụ chất phốt-pho qua lá để phát triển nhanh hơn. Nghiên cứu này có thể mở ra cơ hội giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN